A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thảo luận chuyên đề 1 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Những ưu tiên chính sách trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và thị trường

Sáng 19/9, tại phiên thảo luận chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương đã có trao đổi làm rõ một số trọng tâm trong quản lý và điều hành những lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế và có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.

 

Trao đổi về định hướng điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thời gian vừa qua trước những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, biến động của tình hình kinh tế, tài chính thế giới, khu vực và trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính sách tài khóa, tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, nới lỏng, có trọng tâm, trọng điểm. Chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế trong những năm qua là lớn chưa từng có, với tổng giá trị lên đến trên 8,3% GDP. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế.

Trong tổng thể đó, chính sách tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng. Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách về miễn, giảm, giãn thuế. Cùng với việc miễn, giảm, giãn thuế, Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều giải pháp về cải cách hành chính, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin như hóa đơn điện tử, cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế và hải quan. Trong hoàn thuế, đã thực hiện các thủ tục thông qua hệ thống điện tử đến khoảng 90%. Có đến 80% các hồ sơ hoàn thuế hiện tại đang được phân loại theo nhóm hoàn trước và kiểm sau, thực hiện thủ tục trong vòng 6 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng cho hay trong lĩnh vực chi cugx đã thực hiện các hoạt động tăng chi, kích cầu hiện đang chúng ta cũng đã thực hiện các hoạt động tăng chi để kích cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Bộ Tài chính đã thực hiện các biện pháp về cải thiện thể chế đối với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp để củng cố niềm tin của thị trường; thiết lập hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ tạo thanh khoản cho thị trường, tăng tính công khai, minh bạch và ổn định thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu rõ, cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, qua đó phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giúp tăng trưởng kinh tế. Từ đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những điểm sáng của kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp cận nguồn vốn phải được xem xét từ cả ngân hàng và doanh nghiệp

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như khoảng thời gian 1 năm qua bởi những tác động nhiều chiều, tác động của những nước trong khu vực và thế giới, nhất là chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát lạm phát của các nước chi phối đến vấn đề tỷ giá, giá trị đồng tiền mỗi nước, từ đó, ảnh hưởng trực diện đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Những khó khăn từ nội lực của nền kinh tế, nhất là sau 2 năm đại dịch, tác động đến khu vực sản xuất và kinh doanh. Trước bối cảnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ đòi hỏi linh hoạt, thận trọng và vẫn đảm bảo sự cạnh tranh, có sự phấn đấu cho các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú

Thông tin thêm về những định hướng cho điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2023 và giai đoạn đầu của năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Đồng thời, tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế và đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng thông qua các nghiệp vụ, các công cụ hạn mức tín dụng - một công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Năm 2023, Ngân hàng nhà nước đã nới rộng hạn mức tín dụng, tạo một thông điệp cho nền kinh tế rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp. Vấn đề là điều kiện để tiếp cận nguồn vốn cần phải được xem xét, phân tích từ 2 phía cả ngân hàng và doanh nghiệp. Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước lưu ý rằng, vay tín dụng là vay có hoàn trả, không phải khoản cấp phát nên phải có những điều kiện tối thiểu để đảm bảo được an toàn cho khoản vay, an toàn cho các tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho hay, thời gian tới, Ngân hàng nhà nước tiếp tục duy trì chính sách với quan điểm điều hành như trên và có thể mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đánh giá mức độ dư địa của chính sách tiền tệ, tìm được điểm cân bằng của lãi suất và tỷ giá. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, trong bối cảnh dư địa không còn nhiều, phải điều hành hết sức chặt chẽ và hợp lý.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước nêu rõ, điều hành hài hòa trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất bình quân lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý và đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung cũng như từng ngân hàng thương mại nói riêng và rộng hơn nữa là đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.

Liên quan đến tiếp cận tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp như hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại, có chính sách giãn, hoãn những khoản nợ, khoản lãi đến hạn chưa trả được; cắt bỏ những chi phí, những rào cản và những thủ tục về mặt phí cũng như các điều kiện tiếp cận vốn của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng nhà nước cũng đã ban hành nhiều những văn bản để quy định tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho các ngân hàng thương mại cho vay, ứng dụng công nghệ trong thời gian vừa qua và hiện nay.

Ngân hàng nhà nước cũng tích cực triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, gói cho xây dựng nhà ở xã hội, tín dụng trong lĩnh vực xuất khẩu của lâm sản và thủy sản. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng đã và đang tổ chức diễn đàn, hội nghị để kết nối doanh nghiệp và làm việc với các hiệp hội, đề nghị và phối hợp với chính quyền địa phương để cùng xử lý tháo gỡ, chia sẻ những khó khăn cho từng đối tượng doanh nghiệp và dự án.

Đẩy mạnh các hoạt động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn về thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp

Chia sẻ tình hình khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm 2023, doanh nghiệp còn khó khăn hơn cả trong thời gian có đại dịch COVID-19. Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu mà cả các doanh nghiệp nội cũng gặp khó về thị trường, về đầu ra. Do đó, ngoài những chính sách mang tính chất vĩ mô, Bộ Công thương cũng hết sức quan tâm đến các hoạt động cụ thể, thiết thực đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải 

Từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, v.v.. Đồng thời do dịch COVID-19 cho nên lượng hàng tồn kho ở tại các thị trường này rất cao khiến cho các đơn hàng nhập khẩu hàng hóa của thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm. Vì vậy, Bộ Công thương theo chỉ đạo của Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cụ thể.

Theo đó, Bộ Công thương thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ, cung cấp các thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp để có thể có những biện pháp đối phó cho phù hợp.

Bộ Công thương cũng tăng cường và đổi mới công tác về xúc tiến thương mại. Tăng cường việc phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp để khai thác các thế mạnh, những điểm ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, những cam kết mới nhất của Việt Nam với Vương quốc Anh hay UAE, Israel và một số quốc gia khác ngoài.

Bộ Công thương cũng đổi mới cách thức tiến hành bằng cách trực tiếp mời các nhà phân phối lớn nhất của thế giới, các tập đoàn lớn đến kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa ở tại Việt Nam, gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam. Bước đầu đã đạt kết quả khả quan với nhiều hợp đồng được ký kết,  nhiều giao dịch đã được đưa ra.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, dựa trên những kiến nghị của doanh nghiệp để có thể tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực cho các doanh nghiệp trong đẩy mạnh hoạt động về kinh doanh nói chung và trong đó có hoạt động xuất khẩu nói riêng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ./.

Bảo Yến - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Tác giả: Bảo Yến - Phạm Thắng - Nghĩa Đức