A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An sinh xã hội Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH ở Việt Nam đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức về chiến lược, về chi phí, nguồn lực công nghệ, nguồn nhân lực triển khai và các vấn đề bảo mật dữ liệu và pháp lý liên quan. Từ cơ sở lý luận đến phân tích thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

 TS. Nguyễn Tiến Hùng

                                                                                           Trưởng Khoa Cơ bản

Học viện Chính sách và Phát triển,

                                                                                           Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Tóm tắt: Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, nhằm rút ngắn quá trình phát triển quốc gia theo hướng bền vững. Bài viết này nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số trong an sinh xã hội (ASXH) ở Việt Nam, cụ thể làm rõ nội dung chuyển đổi dữ liệu số ASXH, hạ tầng số ASXH, cung cấp dịch vụ số ASXH, đảm bảo an ninh an toàn ASXH trên môi trường số. Hiện nay, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH ở Việt Nam đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức về chiến lược, về chi phí, nguồn lực công nghệ, nguồn nhân lực triển khai và các vấn đề bảo mật dữ liệu và pháp lý liên quan. Từ cơ sở lý luận đến phân tích thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: An sinh xã hội, chuyển đổi số

Đặt vấn đề: Chuyển đổi số trong ASXH là hoạt động áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại vào công tác quản lý, giám sát, chi trả, thụ hưởng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, xã hội và người thụ hưởng ASXH, nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, đóng góp, thụ hưởng ASXH ngày càng cao. Muốn xây dựng môi trường ASXH bền vững, thì cần phải dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại, tạo môi trường để mọi thành viên trong xã hội được kết nối, tạo sự minh bạch trong hợp tác, tương tác và cá nhân hóa ASXH. Chuyển đổi số không chỉ là số hóa dữ liệu, hay ứng dụng các phần mềm nhằm tự động hóa hoạt động quản lý ASXH mà là sự chuyển đổi toàn bộ chính sách ASXH từ cách thức, phương pháp quản lý, phương pháp kiểm tra, giám sát ASXH thô sang mô hình ASXH số khai thác ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, thích ứng linh hoạt, công khai, minh bạch và phát triển. Về bản chất, chuyển đổi số không thay đổi giá trị cốt lõi hay mô hình ASXH mà là sự chuyển đổi hoạt động cốt lõi thực sang nền tảng số thông minh thông qua công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, từ đó nâng cao tính nhân văn, nhân đạo của chế độ xã hội trong kỷ nguyên phát triển mới của công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số ASXH là sự giao thoa giữa công nghệ và chiến lược ASXH với tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ, năng lực quản lý phát triển xã hội theo hướng đích: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, với mục tiêu Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và mục đích ASXH là không để ai bị bỏ lại phía sau. Để chuyển đổi số trong ASXH ở Việt Nam thành công, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và xã hội cần áp dụng đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp khác nhau, từ sự thay đổi về mặt nhận thức, thể chế ASXH đến số hóa hoạt động ASXH, tạo lập nên môi trường ASXH số và tin học hóa mọi hoạt động quản lý ASXH ở hiện tại và tương lai.

1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội ở Việt Nam

Trong hơn hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới số, chuyển đổi số đã và đang từng bước thẩm thấu vào mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ kinh tế, sản xuất, kỹ thuật công nghệ đến văn hóa, đời sống và quản lý, quản trị. Chuyển đổi số không chỉ tạo đột phá, gia tốc phát triển trong tăng trưởng kinh tế, xã hội hóa mà còn kết nối văn hóa, con người vượt qua không gian thời gian thực, nó không còn là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân, quốc gia hay dân tộc, mà vấn đề toàn cầu. Vì thế, Việt Nam muốn phát triển nhanh, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể nằm ngoài quy luật chuyển đổi này, mà còn phải kịp thời nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để rút ngắn con đường đến tương lai nhanh hơn, phồn vinh, hạnh phúc.

Khái niệm về chuyển đổi số có nhiều định nghĩa khác nhau, chẳng hạn, theo Microsoft, chuyển đổi số chính là tái cấu trúc tư duy trong phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra nhiều giá trị mới[1].

Theo định nghĩa phổ thông thì Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Khái niệm được ra đời trong thời đại bùng nổ internet, mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của toàn doanh nghiệp, ở tất cả những khía cạnh như cung ứng, sản xuất, hợp tác, mối quan hệ khách hàng hoặc thậm chí là tạo ra những doanh nghiệp mới với cách thức hoạt động mới mẻ hoàn toàn. Chuyển đổi số không chỉ tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối,...Có thể hiểu, chuyển đổi số chỉ tiến trình cải tiến một đối tượng thông qua kích hoạt sự thay đổi các thuộc tính của nó trên cơ sở kết hợp thông tin, thiết bị điện tử, công nghệ giao tiếp và kết nối trực tuyến của một tổ chức nhằm tối ưu nguồn lực, cách thức hoạt động trong quá trình quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao đến tay người dùng bằng cách khai thác ứng dụng công nghệ và dữ liệu. Mặt khác, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ kỹ thuật số, mà là bước chuyển đổi mà công nghệ số giúp cho mọi người giải quyết những vấn đề truyền thống; khi đó mọi người thường ưu tiên giải pháp số thay vì giải pháp truyền thống. Ở cấp độ chuyển đổi này thì ứng dụng số sẽ mở ra những dạng thức đổi mới và sáng tạo trong cả một lĩnh vực thay vì chỉ nâng cấp và hỗ trợ những phương pháp truyền thống. Theo nghĩa hẹp, chuyển đổi số có thể hình dung bằng khái niệm “văn phòng không giấy tờ”. Từ đó, chuyển đổi số cũng có thể được định nghĩa là tác động xã hội toàn diện và tổng thể của quá trình số hóa. Bước chuyển công nghệ kỹ thuật số, quá trình số hóa và tác động chuyển đổi số có khả năng tăng tốc và dẫn lối cho quá trình chuyển đổi xã hội toàn cầu.

Bắt kịp xu thế mới, hành động mau lẹ và quyết tâm, chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại, tạo bứt phá vươn lên, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ban hành Chương trình về chuyển đổi số quốc gia[2] trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của BCH Trung ương Đảng V một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ , trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tiếp đó, ngày 15/11/2021 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giai đoạn 2021-2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, năm 2023 là năm trọng tâm chuyển đổi số: Phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.

Với quan điểm xuyên suốt, lấy xây dựng, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số “Thể chế phải đi trước một bước để giúp chuyển đổi số quốc gia nhanh hơn, bền vững hơn” trên cơ sở tiếp cận “ Một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản; phát hiện sự bất cập lạc hậu thì sửa ngay theo quy trình rút gọn, sửa từng điểm thì sẽ sửa đúng và nhanh hơn, từ đó phản ánh được hơi thở của cuộc sống[3], vì vậy, tính đến hết này 12/7/2023, đã có trên 20 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, ngày càng tạo ra sự tích cực tốt trong chuyển biến nhận thức, thực thi, hành động[4]. Kết quả “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (gọi tắt là Đề án 06) tính đến hết ngày 30/6/2023, đã thu được nhiều kết quả tích cực, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối với 13 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp-viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty viễn thông di động (MobiFone) và 63/63 địa phương để khai thác thông tin dân cư. Tiếp nhận tổng số hơn 1 tỷ yêu cầu để tra cứu thông tin đúng (1.014.473.517 yêu cầu, 100% trùng khớp các thông tin). Việc tạo lập, kết nối chia sẻ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “thần tốc” trên quy mô quốc gia cũng đạt nhiều kết quả chất lượng, tính hết ngày 30/6/2023 với 33 Bộ ngành và 63 tỉnh, thành phố của nước ta đã hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có 07  bộ, ngành và 48 địa phương đồng bộ hóa 100% dữ liệu, các đơn vị còn lại đang tiếp tục đồng bộ dữ liệu về bảo đảm đủ số dữ liệu giai đoạn 1 (dữ liệu đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia hơn 2 triệu hồ sơ (2.087.114 hồ sơ, trong đó bộ, ngành là 132.626/253.837 hồ sơ đạt 50,25%; địa phương là 1.974.488/2.030.095 hồ sơ đạt 96,28% )[5].

Về hạ tầng số, đáng chú ý, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022)[6].

Như vậy, sau 2,5 năm triển khai Chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn làm cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế nói chung và chuyển đổi, xây dựng tổ chức ASXH hiện đại ở nước ta trong thời kỳ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ở Việt Nam, nhận thức về ASXH, quyền ASXH ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1- 6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đề ra quan điểm bảo đảm ASXH với một cấu trúc bao gồm: 1- Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; 2- Bảo hiểm xã hội; 3- Trợ giúp xã hội (TGXH) những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 4- Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin). Quan điểm này trở thành cơ sở nền tảng và định hướng cho việc thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật về ASXH gắn với thực tiễn và thời kỳ chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.

Về cơ bản, trong hơn 35 năm tiến hành đổi mới, việc bảo đảm ASXH ở nước ta đã đạt được những thành tựu sau:

Thứ nhất, về hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Việc phát triển và thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước. Mục tiêu tiến tới bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân nhằm bảo đảm cho mọi người dân đều được tiếp cận và thụ hưởng quyền ASXH và chia sẻ những thành tựu của quá trình kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã thực hiện tốt các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người tham gia; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhằm mở rộng đối tượng tham gia; giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường giải pháp để kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Nếu năm 2015 cả nước có 12,07 triệu người tham gia BHXH, chiếm 23% lực lượng lao động thì đến năm 2019 có 31,9% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần 8% so với năm 2015; năm 2020 diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi; tính đến hết ngày 31/12/2022, số người tham gia BHXH là 17,498 triệu người, đạt khoảng 38,07% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn kế hoạch 0,07% , tăng 5,75% so với năm 2021. Số người tham gia BHTN là 14,330 triệu người, đạt khoảng 31,18% LLLĐ trong độ tuổi, vượt kế hoạch 0,18%, tăng 6,98% so với năm 2021. Số người tham gia BHYT ước đạt là 91,067 triệu người, bao phủ 92,03% dân số tham gia BHYT, cao hơn kế hoạch 0,03% , tăng 2,233 triệu người, tương ứng tăng 2,51% so với năm 2021. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 431.252 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch, tăng 34.615 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,7% so với năm 2021. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi ước thực hiện cả năm chiếm 2,91% số phải thu. Năm 2022, ước tính đã giải quyết cho khoảng 95.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 1.113.164 người hưởng trợ cấp 1 lần (trong đó 895.598 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần); giải quyết 10.920.098 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ TB&XH) giải quyết cho 977.607 người hưởng các chế độ BHTN; trong đó 957.511 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 20.096 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.). Về chế độ BHYT, cả nước có khoảng 151,388 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT nội trú và ngoại trú; Số chi KCB BHYT là 106.732 tỷ đồng[7]Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015 so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm[8].

Thứ hai, về  hỗ trợ xã hội, giải quyết việc làm.

Hỗ trợ xã hội (còn được gọi là trợ giúp xã hội) là sự bảo đảm và giúp đỡ của Nhà nước, sự hỗ trợ của nhân dân và cộng đồng quốc tế về thu nhập và các điều kiện sinh sống bằng các hình thức và biện pháp khác nhau với các đối tượng bị lâm vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, thiệt thòi, yếu thế hoặc hẫng hụt trong cuộc sống khi họ không đủ khả năng tự lo được cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình. Hỗ trợ xã hội có nhiều nội dung và hình thức, tuỳ thuộc vào mức độ và tính chất mà phân biệt dưới hình thức trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội đột xuất: (1) Trợ giúp xã hội thường xuyên là hình thức trợ giúp bằng tiền hoặc hiện vật mà nhà nước định ra để trợ cấp đối với những người hoàn toàn không thể tự lo cuộc sống trong một thời gian dài (một hoặc nhiều năm) hoặc trong suốt cả cuộc đời của đối tượng được trợ giúp; (2) Trợ giúp xã hội đột xuất (một hoặc một số lần xác định) là hình thức trợ giúp xã hội do nhà nước và cộng đồng giúp đỡ những người không may bị thiên tai, mất mùa hoặc những biến cố khác mà đời sống của họ bị đe doạ về lương thực, nhà ở, chữa bệnh, chôn cất và phục hồi sản xuất nếu không có sự giúp đỡ khấn cấp[9].

Theo đó, hiện nay, hệ thống TGXH ở Việt Nam từng bước được hoàn thiện theo hướng tiếp cận mới, coi đầu tư TGXH là đầu tư cho tăng trưởng bền vững và thực hiện công bằng xã hội, kết hợp hiệu quả vai trò của nhà nước với vai trò xã hội và người dân. Năm 1986, số người trợ giúp xã hội chiếm chưa đến 1% dân số, thì đến năm 2011 tăng 1,9 % dân số năm 2011 (1,7 triệu người), 2,6% dân số năm 2015 (2,7 triệu người) và đạt hơn 3% dân số vào năm 2020 (3 triệu người), vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 [10]. Giai đoạn 2021-2022, Chính phủ đã hỗ trợ 182.900 tấn gạo cứu đói cho gần 12,194 triệu lượt nhân khẩu và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai. Hiện cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,5 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; Có 29 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội. Công tác chi trả chính sách đã chuyển sang cơ quan cung cấp dịch vụ bưu điện, tạo điều kiện cho địa phương tập trung cán bộ cho công tác quản lý, kiểm tra giám sát.[11] Công tác trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm (95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu). Các địa phương đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ và tặng quà cho gần 1 triệu người cao tuổi. Đến nay, cả nước đã cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật.[12]

Năm 2016 đến năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,29%; 2,22%; 2,19%; 2,17%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi liên tục giảm từ 1,88% năm 2016 xuống còn 1,5% năm 2019[13]. Trong năm 2022, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh năm 2020, 2021, nên tỷ lệ lao động thiếu việc làm là 1,92%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước[14]. Theo Báo cáo Tình hình lao động việc làm trong quý III và 9 tháng năm 2022 do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 06/10/2022, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng lên so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước[15].

Thứ ba, về chính sách ưu đãi xã hội.

So với mô hình phổ biến trên thế giới, hệ thống ASXH ở Việt Nam có một cấu phần đặc thù, đó là chính sách ưu đãi người có công. Chính sách này nhằm thực hiện mục tiêu cao cả là đền ơn, đáp nghĩa đối với sự hy sinh, công lao đặc biệt và cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng, với đất nước; thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội chăm lo, bảo đảm cho người có công có cuộc sống ổn định và ngày càng được cải thiện, nhất là từ khi có Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Chính sách ưu đãi xã hội đã mở rộng đối tượng, từng bước nâng mức trợ cấp chính sách ưu đãi người có công phù hợp điều kiện kinh tế của đất nước (Mức chuẩn trợ cấp năm 2015, tăng 71,2% so với năm 2010). Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công tăng từ 21 ngàn tỷ năm 2011 lên trên 32 ngàn tỷ đồng năm 2015. Việc triển khai thực hiện chính sách bảo đảm đúng, đủ và kịp thời tới đối tượng được hưởng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Đời sống người có công không ngừng được cải thiện, đến cuối năm 2015 có 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú, tăng thêm 8,5% số hộ so với năm 2010. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, số người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng[16]. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng, số người tham gia tăng từ 9,5 triệu người năm 2010 lên 14,7 triệu người năm 2018 (chiếm 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi)[17]. Giai đoạn 2021 -6/2023 mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng[18].

Thứ tư, về công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Trong hơn 35 năm đổi mới, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động xóa đói giảm nghèo cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Trong đó, việc thống nhất quan niệm đói nghèo của Việt Nam được thay đổi và ngày một gần với quan niệm đói nghèo của thế giới. Nếu như nhu cầu hỗ trợ của người nghèo vào những năm 90 của thế kỷ XX chỉ giới hạn đến nhu cầu "ăn no, mặc ấm", thì ngày nay, người nghèo còn có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, văn hóa..., tiếp đến là nhu cầu được trợ giúp để hạn chế rủi ro, được quyền tham gia nhiều hơn và có hiệu quả hơn vào các hoạt động của xã hội. Điều này cho thấy Việt Nam đang hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững. Việc xây dựng chuẩn nghèo sẽ theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 xuống còn dưới 5% năm 2015 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 3,75% năm 2019 và đến cuối năm 2020 còn khoảng 2,75% theo chuẩn nghèo 2016-2020, bình quân mỗi năm giảm hơn 1,4%, hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra (1-1,5%/năm). Bất bình đẳng về thu nhập trong tầm kiểm soát (hệ số GINI thu nhập duy trì ở mức 0,42-0,43)[19]. Tính đến tháng 1 năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều là 7,52% ( tương đương là 1.972.767 hộ)[20].

Thứ năm, về phát triển hệ thống dịch vụ xã hội.

Dịch vụ xã hội là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cộng đồng và cá nhân nhằm phát triển xã hội, có vai trò nhằm tăng cường cho người dân khả năng tiếp cận hệ thống dịch vụ cơ bản, bảo đảm phúc lợi và công bằng xã hội, đề cao giá trị đạo lý, nhân văn, vì con người, là hoạt động mang bản chất kinh tế - xã hội, do nhà nước, thị trường hoặc xã hội dân sự cung ứng, tùy theo tính chất thuần công, không thuần công hay tư của từng loại hình dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao và các trợ giúp xã hội khác.

Hiện nay, hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản được phát triển và mở rộng, nhất là về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, nhà ở cho người nghèo, người có công với cách mạng…; có cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng các dịch vụ nhiều mặt được cải thiện[21].

Tuy nhiên, cùng với những những thành tựu trên, bảo đảm ASXH của Việt Nam cũng gặp phải hạn chế. Đó là việc bao phủ và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… chưa đạt được như kỳ vọng, tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn lớn, phân hoá giàu - nghèo gia tăng, việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, như Đại hội XIII của Đảng nhận định: Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập,… Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập… bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa”[22].

2. Thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội ở Việt Nam

Chuyển đổi số được coi là cú hích cho sự chuyển đổi phương thức làm việc của nhiều lĩnh vực, nhiều nghề nghiệp trong đó có lĩnh vực ASXH. Theo định hướng phát triển, Việt Nam sẽ xây dựng tổ chức ASXH hiện đại, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế, chính vì vậy, chuyển đổi số chính là điều kiện tiên quyết để tổ chức ASXH ở Việt Nam phát triển hiện đại.

2.1. Dữ liệu số an sinh xã hội

Đối với hệ thống ASXH, để có thể chuyển các hoạt động quản lý, kiểm soát, khai báo, đăng ký, lưu trữ, tra cứu và thụ hưởng ASXH sang môi trường số, tức là số hóa thông tin đầu vào, đây chính là bước chuyển đổi thông tin từ dạng analog ở thế giới thực sang dịnh dạng kỹ thuật số. Trên cơ sở hệ thống dữ liệu việc ứng dụng kỹ thuật số để liên kết, sử dụng dữ liệu số sẽ làm cho hệ thống ASXH trở lên thuận lợi, nhanh, hiệu quả so với cách thức truyền thống, khi phải tác nghiệp với đống hồ sơ luu trữ. Và khi các hoạt động ASXH diễn ra trên môi trường số không chỉ sẽ gia tăng và làm giầu hơn nguồn dữ liệu, tiết kiệm chi phí in sao hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”[23] trong ASXH.

Trên cơ sở triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm xã hội (BHXH), ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm như: Xây dựng Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ cơ sở dữ liệu tập trung, ngành BHXH Việt Nam chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến 15 tháng 7 năm 2023, hệ thống thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư đã xác thực được 88.797.864 thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 91% tổng số người tham gia) với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 123.866.984 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư; 12.519 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai  KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (CCCD) đạt 97,7% tổng số sơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, tra cứu thành công với 32.585.579 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làn thủ tục KCB BHYT. Bên cạnh đó, việc việc triển khai hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT thay cho BHYT giấy (gần 30 triệu tài khoản VssID với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thể trên VssID phục vụ KCB BHYT)[24]; gia hạn 18.218 thẻ BHYT thông qua dịch vụ công gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình[25]; tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 187.694 trường hợp; tiếp nhận và xử lý 2.664 giao dịch đăng ký, đóng BHXH tự nguyện[26],.. ngoài ra, BHXH Việt Nam còn thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp, liên thông các TTHC, DVC trực tuyến, triển khai ứng dụng “Định danh điện tử quốc gia” (VneID), Sổ sức khỏe điện tử, hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam. Những thay đổi trên đã giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và cán bộ y tế khi  làm thủ tục KBC BHYT. Cơ quan BHXH giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT (chỉ tính riêng năm 2022, đã tiết kiệm 24,7 tỷ đồng so với năm 2021)[27], tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin, tạo bước ngoặt, góp phần kiến tạo ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng của Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia.

Đối với lĩnh vực TGXH những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết nối dịch vụ công thành công tới Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của 57/63 tỉnh, thành phố được triển khai và tiếp nhận hồ sơ tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn (06 địa phương còn lại đang khẩn trương hoàn thành việc kết nối: Lai Châu, Khánh Hòa, Bạc Liêu Quảng Bình, Tuyên Quang, Đắk Nông). Tính đến ngày 12/07/2023, cả nước có hơn 3.727.764 người (chiếm khoảng 3,8% dân số) hưởng chính sách TGXH thường xuyên tại cộng đồng (trong đó: 1.412.862 người cao tuổi; 1.622.639 người khuyết tật; 16.205 trẻ em mồ côi; 146.807 trẻ em dưới 3 tuổi; 85.151 người đơn thân nuôi con) và 365.822 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng BTXH[28]. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực người có công được triển khai tại địa chỉ https://csdl-nguoicocong.molisa.gov.vn. Đến nay, hệ thống liên thông đã tiếp nhận 377 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp mai táng từ dịch vụ công liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ mai táng phí. Đến nay toàn bộ 63/63 tỉnh/thành phố đã triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASSXH ( chỉ tính từ tháng 01/2023 đến 22/6/2023 đã có 26/63 tỉnh/thành phố chi trả qua tài khoản là 115.806 đối tượng/538.563 người mong muốn trả qua tài khoản với tổng số tiền là 141.752.851.000 đồng[29], cụ thể:

*. Tổng số đối tượng hưởng chính sách ASXH thuộc ngành lao động quản lý: 4.858.819 người

Trong đó:    - Đối tượng BTXH : 3.720.000 người[30]

                   - Đối tượng NCC  : 1.138.819 người

*. Tổng số đối tượng hưởng chính sách ASXH đã được các địa phương thực hiện rà soát: 3.441.894 người (70,84%/tổng số đối tượng quản lý)

Trong đó:      - Đối tượng BTXH: 2.547.942 người (68,49%/tổng số đối tượng quản lý)

                   - Đối tượng NCC: 754.357 người (66,24%/tổng số đối tượng quản lý)

                   - Đối tượng khác: 139.595 người (đối tượng đặc thù của mỗi địa phương)

*. Tổng số đối tượng đã có tài khoản (mong muốn chi trả qua tài khoản): 538.563 người (11,08%/tổng số đối tượng quản lý)

Trong đó:    - Đối tượng BTXH     :   327.298 người (8,8%/tổng số đối tượng quản lý)

                   - Đối tượng NCC  :  105.663 người (9,28%/tổng số đối tượng quản lý)

                   - Đối tượng khác   :  105.602 người (3,07%/tổng số đối tượng đã rà soát)

*. Tổng số đối tượng đã nhận trợ cấp qua tài khoản: 115.806 người (21,50%/tổng số đối tượng đã có tài khoản)

Trong đó:    - Đối tượng BTXH: 87.580 người (26,76%/tổng số đối tượng có tài khoản)

                   - Đối tượng NCC: 19.726 người (18,67%/tổng số đối tượng có tài khoản)

                   - Đối tượng khác:  8.500 người (8,05%/tổng số đối tượng có tài khoản)

*. Tổng số kinh phí đã thực hiện chi trả qua tài khoản từ tháng 01 đến nay: 141.752.851.000 đồng.

Trong đó:    - Đối tượng BTXH     : 53.368.916.000 đồng

                   - Đối tượng NCC  : 57.558.559.000 đồng

                   - Đối tượng khác   : 30.825.376.000 đồng[31]

Số lượng đối tượng được duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu với trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư  là hơn 3,6 triệu đối tượng đã được cấp định danh cá nhân/CCCD, trong đó đã có hơn 2,1 triệu đối tượng BTXH đã được xác thực thành công qua CSDL quốc gia về dân cư. Song cùng với cơ sở dữ liệu về BTXH, hệ thống CSDL trẻ em đang duy trì việc kết nối và chia sẻ cho hơn 17,061 triệu CSDL trẻ em, thực hiện xong việc làm giàu khoảng 5 triệu dữ liệu trẻ em đối với CSDL về dân cư [32].

Ngoài trụ cột BHXH trong cấu trúc ASXH, thì cấu trúc về việc làm, thu nhập và giảm nghèo, hiện đã triển khai việc tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo với CSGL quốc gia về dân cư , bước đầu thu thập hơn 7 triệu dữ liệu[33] trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo cơ chế quản lý tập trung thống nhất tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Cấu trúc ASXH về các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như tình trạng người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin…đang khai thác, cập nhận, làm sạch trường dữ liệu để kết nối, chia sẻ dữ liệu trên công thông tin CSDL quốc gia về dân cư.

2.2. Hạ tầng số an sinh xã hội

Tính đến ngày 12 tháng 7 năm 2023, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triên, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối thông tin phục vụ Chínnh phủ số đến 1005 huyện, xã trên toàn quốc, tạo nền tảng cho hạ tầng số ASXH phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ASXH đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ an sinh số,chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Kết quả trọng tâm bước đầu đã đạt được, như giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn. Triển khai Nền tảng chia sẻ, tích hợp cấp bộ, địa phương (LGSP- Local Government Service Platform), kết nối với Nền tảng kết nối, chia sẻ quốc gia (NGSP - National Government Service Platform) qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Thông qua NGSP đã kết nối được với các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);  Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH (BHXH Việt Nam); nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý trạm y tế xã, quản lý thông tin y tế, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và ngân hàng dữ liệu ngành dược; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); Cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung (Bộ Thông tin và Truyền thông); Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), thu thập, cập nhật, phân tích, xử lý số liệu thống kê của cả nước, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về kinh tế, dân số, lực lượng lao động, việc làm, BHXH; thu thập, cập nhật và xử lý số liệu thực hiện của 63 tỉnh/thành phố hàng tháng, hàng quý về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, người có công, bảo trợ xã hội, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội...của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành về ASXH. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách và giao dịch với cơ quan quản lý về ASXH, các đơn vị đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng với các nền tảng kênh số khác nhau: Tổng đài điện thoại 19009068, Cổng thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Zalo... góp phần thúc đẩy ASXH Việt Nam phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế.

2.3. Cung cấp dịch vụ an sinh xã hội trên môi trường số

Trên cơ sở Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06), các cơ quan quản lý Nhà nước về ASXH đã triển khai, hoàn thiện một số  hoàn thiện một số dịch vụ công trên cơ sở kết nối, khai thác, xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo thuận lợi hơn cho người dân khi thực hiện giao dịch, như: Dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng;  dịch vụ công liên thông tích hợp với cổng DVC quốc gia: "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng", tính đến 27/3/2023, BHXH 02 địa phương triển khai làm điểm (Hà Nam và Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết 19.818 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 740 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 02 nhóm DVC liên thông; dịch vụ công giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và chi trả quá trình đóng BHTN cho 81.830 trường hợp; dịch vụ công tham gia đóng BHXH tự nguyện: Được thực hiện trên cở sở khai thác thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư[34], góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng khi giải quyết chế độ, thủ tục hành chính cho người dân, thúc đẩy chuyển đổi an sinh số, công dân số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

2.4. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin an sinh xã hội trên môi trường số

Trong thời gian qua, việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ASXH trên môi trường số đang từng bước hướng tới sự an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số từ môi trường thực lên môi trường số. Kết quả đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mang ở mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện theo dõi, phân tích log tường lửa, máy chủ, các thiết bị an ninh mạng; Quản lý cấu hình thiết bị mạng, máy chủ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu; Cập nhật bản vá hệ điều hành, các thiết bị bảo mật; cập nhật bản quyền cho hệ thống Mail Gateway, tường lửa, chống spam mail, chống virus; thực hiện đánh giá cấp độ của các hệ thống thông tin theo hướng dẫn tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ. Kịp thời thông báo và phối hợp rà quét, xử lý các cảnh báo về mã độc, lỗ hổng mất an toàn thông tin. Chẳng hạn, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện và cảnh báo 333 tài khoản người dùng đăng nhập VPN có nguy cơ lộ thông tin; phát hiện và ngăn chặn 09 tài khoản tại các đơn vị có dấu hiệu gửi thư rác với số lượng lớn. Hệ thống phòng chống mã độc, EDR phát hiện 6.224 máy tính bị nhiễm mã độc với 9.891 loại mã độc; phát hiện và ngăn chặn 1.131 trường hợp tài khoản đăng nhập (SSO) không an toàn[35]. Về cơ bản, các nguy cơ về an toàn thông tin được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, từ đó, góp phẩn thúc đẩy quá trình ASXH số ở Việt Nam mau thành tựu toàn diện.

3. Hạn chế còn tồn tại

Dù đã có những nỗ lực trong quá trình chuyển đổi ASXH số, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia, nhưng nhìn nhận theo một chiều hướng tổng thể thì chuyển đổi ASXH số vẫn còn tồn tại những bất cập cần sớm khắc phục:

Thứ nhất, thể chế, cơ chế, chính sách ASXH số chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số và Đề án 06. Theo tổng hợp từ các báo cáo của bộ, ngành có liên quan về ASXH là thiếu hành lang pháp lý như: Quy định về thực hiện sinh trắc trong KCB BHYT; về lưu trữ, sử dụng thông tin sinh trắc; việc tích hợp thông tin công dân vào chíp điện tử trên thẻ CCCD từ các giấy tờ cá nhân khác nhau; quy định về cách thức ứng dụng dữ liệu dân cư thay thế việc xuất trình các giấy tờ thụ hưởng ASXH khác, v.v.

Thứ hai, công tác thu thập thông tin ban đầu của đối tượng gặp khó khăn (chưa cung cấp được CCCD hoặc cung cấp thông tin chưa chính xác) nên việc xác thực thông tin cá nhân ban đầu của các đối tượng thụ hưởng ASXH với CSDL quốc gia về dân cư còn chưa khớp, chưa có kết quả hoặc lúng túng trong cách đo lường đánh giá. Việc tích hợp dịch vụ xác thực chủ hộ và cung cấp thông tin thành viên gia đình cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật cư trú 2020 để làm cơ sở tính mức đóng BHYT hộ gia đình cũng như các dịch vụ ASXH khác có liên quan đến xác thực thông tin hộ gia đình còn nhiều bất cập.

Thứ ba, việc đồng bộ hóa trong các hoạt động đầu tư hạ tầng ASXH số, đảm bảo an toàn thông tin, phần mềm, CSDL và nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ASXH còn nhiều bất cập giữa các bộ, ngành và địa phương. Nhiều thôn, bản chưa được phủ sóng di động, thiếu điện. Việc tích hợp các loại Sổ giấy thành một loại Sổ điện tử (sức khỏe, sổ BHXH, BHYT, BHTN, sổ hộ nghèo, cận nghèo) còn chưa được triển khai, đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư, về lao động, việc làm.

Thứ tư, hạ tầng ASXH số ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn chưa được xác thực thônng tin cá nhân, chưa có phần mềm kết nối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trung gian thanh toán (hệ thống ngân hàng thương mại chưa phát triển đồng đều ở những khu vực này). Mặt khác, đối tượng thụ hưởng ASXH ở các khu vực này đều là người có thu nhập thấp, cho nên việc chi phí ban đầu mở và duy trì tài khoản hàng tháng, rút tiền tại cây ATM là một bất cập, nên đối tượng thụ hưởng chưa sẵn sàng tham gia nhận trợ cấp, nhận chi trả bằng chuyển khoản, chủ yếu vẫn dùng tiền mặt và gặp gỡ trực tiếp.

Thứ năm, kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển còn rời rạc, cát cứ, chia sẻ từ các nền tảng, hệ thống của các cơ quan trung ương với địa phương vẫn còn khó khăn (dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo, nông – lâm – ngư nghiệp để đối soát khi thực hiện các DVC trực tuyến đóng BHXH tự nguyện, đóng BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành). Chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến về ASXH ở mức độ cao còn hạn chế, chưa thuận tiện cho mọi đối tượng thụ hưởng ASXH từ khu vực thành thị đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh, an toàn, quyền riêng tư cá nhân trong chuyển đổi số ASXH còn chưa cao.

4. Một số giải pháp nhằm tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

Chuyển đổi ASXH số, có thể là bước cuối cùng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Vì vậy, chuyển đổi số trong ASXH không chỉ là đổi mới phương thức cập nhật thiết bị, công nghệ mà nó còn là vấn đề của thể chế, của văn hóa và con người. Để chuyển đổi và xây dựng hệ thống ASXH số ở Việt Nam theo hướng tiện lợi và hiện đại, cần tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, Nhà nước cần đôn đốc, chỉ đạo, rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi cho chuyển đổi số ASXH phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, liên quan đến xác minh dữ liệu, đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin và các quy định liên quan đến tính pháp lý về khai báo, kiểm soát, thụ hưởng ASXH trực tuyến. Đồng thời, kịp thời ban hành hướng dẫn, quy định về việc liên thông dữ liệu từ cơ sở KCB, tạo cơ sở cho việc triển khai hồ sơ sức khỏe trên VNEID; các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết bị xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp và lưu trữ lịch sử truy vấn thông tin sinh trắc để hạn chế và ngăn chặn trục lợi ASXH. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng hành lang pháp lý (Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân), tránh nguy cơ gây lộ, lọt, mất cắp dữ liệu cá nhân nói chung và ASXH nói riêng hiện nay nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ nay đến năm 2025, cần sát sao việc hoàn thiện thể chế ASXH trong kỷ nguyên số nhằm tạo ra mạng lưới ASXH số đa dạng, phong phú, sát hợp thực tiễn, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật an sinh số, hành lang pháp lý, thúc đẩy mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào phát triển ASXH số. Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp an sinh hay công nghệ an sinh như một giải pháp để phát triển hệ thống ASXH hiệu quả. Thiết kế lại chính sách ASXH gắn với đào tạo nguồn nhân lực, tăng độ bao phủ, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với tình hình mới và tương lai kỷ nguyên số. Tạo cơ chế thúc đẩy hệ thống ASXH mạnh về nguồn lực, bao phủ toàn diện, an toàn, hiệu quả với cơ chế Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng đồng hành, đổi mới, kiến tạo và phát triển. Phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể an sinh trong đóng góp và thụ hưởng. Kịp thời, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH nhằm công khai, minh bạch ASXH của những chủ thể có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, nhanh chóng phát hiện để kịp thời xử lý và điều chỉnh đúng theo các quy định của pháp luật[36].

Hai là, các bộ ngành, địa phương cần tập trung triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính ASXH nói riêng, cập nhật vào kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương, xây dựng phương án cắt giảm bộ phận tiếp dân trực tiếp để đẩy mạnh DVC trực tuyến. Bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu, bất cứ ai đều có thể tiếp cận khai thác, khai báo thông tin và thụ hưởng ASXH một cách “đúng, đủ, sạch, sống[37], từ đó, loại bỏ hoàn toàn những giới hạn về khoảng cách, tối ưu chi phí và nâng cao nhận thức, tư duy của nhân dân. Bên cạnh đó, cần phát triển trợ lý ảo và các nền tảng số hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ công việc, nghiệp vụ chuyên môn về ASXH hằng ngày. Nhân rộng, triển khai trên toàn quốc các dịch vụ liên thông: Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí (hiện nay mới chỉ thí điểm ở Hà Nội và Hà Nam). Giải quyết dứt điểm các trường hợp nhân khẩu đặc biệt, nhà chưa đủ điều kiện cấp giấy tờ hợp pháp, nhà trên đất xen kẹt, trên đất nông nghiệp để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nói chung và đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH nói riêng liên quan đến BHYT, BHXH tự nguyện; tiếp cận dịch vụ xã hội tối thiểu…Đến năm 2030 cần xóa bỏ “Sổ hộ nghèo - cận nghèo giấy” để triển khai Sổ ASXH điện tử tích hợp (BHXH, BHYT, BHTN, KCB, TGXH, ưu đãi người có công, lao động - việc làm) liên thông với  Cổng DVC quốc gia về dân cư, tiện lợi cho quản lý và sử dụng, thụ hưởng.

Ba là, phát triển các “nền tảng số cốt lõi” cho chuyển đổi số ASXH, nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất cơ bản phải được trang bị hiện đại, đồng bộ trong các cơ quan quản lý ASXH có thể được thực hiện một cách đảm bảo và tối ưu, Nhà nước cần đảm bảo môi trường mạng thông suốt, ổn định, an toàn thông tin. Thực hiện việc này cần huy động được các nguồn lực chung tay hỗ trợ trang thiết bị đầu cuối và tham gia cung cấp các hệ thống, giải pháp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, kỹ năng số ASXH cần được nâng cao cùng với đào tạo, bồi dưỡng cho các bên tham gia. Đồng thời, phát triển hạ tầng dữ liệu đồng bộ của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân để sử dụng, khai thác hiệu quả CSDL quốc gia, CSDL dùng chung các cấp. Hệ thống phần mềm ASXH phải tương thích và kết nối với nhau trong cùng một hệ sinh thái để phát triển các dịch vụ mới, sáng tạo và tuân thủ bảo mật thông tin.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thế hệ mới làm “Chuyên gia số, nhân lực số ASXH” với kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ hiện đại, hiệu quả bền vững để hỗ trợ nhà quản lý, doanh nghiệp, người thụ hưởng ASXH sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật số nhằm đạt được các mục tiêu ASXH. Từ đó, hoàn thành việc kiến tạo “Niềm tin số” với Nền tảng tín nhiệm mạng.

Bốn là, tăng cường mở rộng các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại, đảm bảo có ít nhất mỗi xã/phường/thị trấn/thôn bản có một điểm giao dịch, lắp đặt hệ thống cây ATM, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp chất lượng dịch vụ thanh toán, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người thụ hưởng chính sách ASXH nhận tiền qua hình thức không dùng tiền mặt; hỗ trợ đối tượng yếu thế trong mở tài khoản ban đầu và duy trì tài khoản hằng tháng để tạo thói quen không dùng tiền mặt và giải quyết chế độ chính sách trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2025 để mỗi người dân nói chung và đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH là “một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một chữ ký số cá nhân,một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin ở mức cơ bản[38] thúc đẩy ASXH Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.

Năm là, tiếp tục thực hiện phương châm “đổi mới, sáng tạo, đoàn kết,kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả[39] trong chuyển đổi ASXH số “đi từng ngõ, gõ từng nhà[40] để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ASXH nói riêng. Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư cải tiến hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống nền tảng số, bố trí kinh phí vận hành, duy trì hệ thống trong cơ quan Nhà nước, từ đó phá vỡ “rào cản” trong việc đảm bảo liên tục, thông suốt, tin cậy, an toàn, an ninh mạng nói chung và an ninh ASXH nói riêng. Huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tài trợ kinh phí để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số trong ASXH.

Sáu là, triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức, quan tâm đúng mức, sát sao, trách nhiệm về chuyển đổi số đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, lĩnh vực công tác, quản lý. Triển khai phổ cập kỹ năng số cho 100% người dân theo hướng cá nhân hóa cùng với việc xây dựng đạo đức ASXH số quốc gia.

Kết luận: Với quyết tâm chính trị, nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số ASXH, đòi hỏi Nhà nước đảm bảo được những nền tảng, điều kiện và thể chế cơ bản để bảo vệ, quản lý và phát triển được hệ thống ASXH Việt Nam trên không gian mới. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong linh vực ASXH là xu thế bắt buộc và là việc của mỗi cơ quan quản lý Nhà nước theo lĩnh vực phụ trách và của toàn xã hội. Do đó, vai trò của Nhà nước là dẫn dắt tạo ra nền tảng số, đề ra thể chế, hỗ trợ nguồn lực để hệ thống ASXH số Việt Nam phát triển hiện đại, thực chất, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cường thịnh, an dân trong kỷ nguyên số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2023), Báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, số 2275/BC-BHXH, Hà Nội, ngày 26/7/2023.
  2. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (2023), Báo cáo tình hình triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội, ngày 12/7/2023.
  3. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (2023), Báo cáo tình hình chuyển đổi số và Đề án 06 tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội 06 tháng và kế hoạch 06 tháng cuối năm 2023, Hà Nội, ngày 12/7/2023.
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo tóm tắt chuyển đổi số quốc gia,  (Phục vụ phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số năm 2023), Hà Nội, ngày 25/02/2023.
  5. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo chuyên đề: Tổng hợp hiện trạng dữ liệu số trong cơ quan nhà nước, (Phiên họp 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số), Hà Nội, ngày 12/07/2023.
  6. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo Tình hình thực hiện Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng năm 2030, (Phiên họp 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số), Hà Nội, ngày 12/07/2023.
  7. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo Tình hình thực hiện Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030, (Phiên họp 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số), Hà Nội, ngày 12/07/2023.
  8. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo Sơ kết tình hình 06 tháng đầu năm 2023 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế phát triển kinh tế số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022, (Phục vụ phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số), Hà Nội, ngày 12/07/2023.
  9. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo Kết quả triển khai Quyết định 146/QĐ-Ttgngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, (Phiên họp 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số), Hà Nội, ngày 12/07/2023.
  10. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo Sơ kết triển khai Chuyển đổi số quốc gia 06 tháng đầu năm 2023, (Phiên họp 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số), Hà Nội, ngày 12/07/2023.
  11. Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (2022), Báo cáo Kết quả triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 (Từ 18/01/2022 đến 18/12/2022), số 2059/BC-TCTTKĐA, Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2022.
  12. Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (2022), Báo cáo tóm tắt Kết quả triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 (Từ 18/01/2022 đến 18/12/2022), số 2060/BC-TCTTKĐA, Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2022.
  13. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (2022), Quyết định Ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, số 27/QĐ-UBQGCĐS, Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2022.
  14. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (2022), Quyết định Ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023, số 17/QĐ-UBQGCĐS, Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2023.

 

THÔNG TIN TÁC GIẢ

- Tác giả: Nguyễn Tiến Hùng.

- Học vị: Tiến sĩ.

- Chức vụ: Trưởng Khoa Cơ bản.

- Địa chỉ: Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu đô thị An Khánh, xã An Thượng, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.

- Số Căn cước công dân:  001071025741; cấp ngày: 14/04/2021; nơi cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội.

- Mã số thuế: 8001471951

- Tài khoản NH số: 22010005536345.

- Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Thăng Long.

- Địa chỉ: Số 3 Đường Phạm Hùng, Phường Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. - Mã NH: 01202006

 

 

[1]https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chuyen-doi-so-va-tac-dong-cua-chuyen-doi-so-trong-giai-doan-hien-nay-72075.htm

[2] Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

[3] Tài liệu tham khảo 8, tr.18.

[4] Tài liệu tham khảo 7, tr.8.

[5] Tài liệu tham khảo 8, tr.4 -5.

[7]https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID=19919&CateID=0#:~:text=%C4%90%E1%BA%BFn%20h%E1%BA%BFt%20n%C4%83m%202022%2C%20s%E1%BB%91,98%25%20so%20v%E1%BB%9Bi%20n%C4%83m%202021.

[9] Mai Ngọc Cường: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, tr. 62 - 63

[10] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Các chuyên đề lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, quyển 3, tr. 133

[13] Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 19

[14] Tổng cục Thống kê: “Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng đầu năm 2022”, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/10/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iii-va-9-thang-nam-2022/

[20] Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quyết định công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều  giai đoạn 2022-2025.

[21] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII, Sđd, t. II, tr. 44 - 46

[22] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII, Sđd, t. I, tr. 85 - 86

[23] Tài liệu tham khảo 11, tr.6.

[24] Tài liệu tham khảo, 1.tr.12.

[25] Tài liệu tham khảo, 1. tr 14.

[26] Tài liệu tham khảo 1.tr 15.

[27] Tài liệu tham khảo 10, tr.7.

[28] Tài liệu tham khảo 2 và 3.

[29] Tài liệu tham khảo 2 và 3.

[30] Trong đó có khoảng 3,359 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 361 nghìn người chăm sóc, nuôi dưỡng

[31] Tài liệu tham khảo 3, tr.8.

[32]  Tài liệu tham khảo 2 và 3.

[33] Tài liệu tham khảo 2 và 3.

[34] Tài liệu tham khảo 1;2;3; 11;12.

[35] Tài liệu tham khảo 1, tr.6.

[36]https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/824971/an-sinh-xa-hoi-o-viet-nam-trong-thoi-ky-chuyen-doi-so.aspx

[37] Tài liệu tham khảo 4, tr.18.

[38] Tài liệu tham khảo 8, tr.37.

[39] Tài liệu tham khảo 11, tr.15.

[40] Tài liệu tham khảo 8, tr.29.