A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, để nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển

Trên bình diện tổng quát, có thể nói Việt Nam – cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử - thời đại, với sự thay đổi: Nền tảng phát triển: từ không gian vật lý chuyển sang không gian “số”; từ thời đại “lao động chân tay – kinh nghiệm” sang thời đại “lao động trí tuệ – sáng tạo”, Cấu trúc phát triển: chuyển từ thời đại kinh tế vật thể – thủ công chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao, Tính chất – quy mô phát triển: giới hạn địa phương mở ra toàn cầu.

 

PGS. TS. Trần Đình Thiên

Viện Kinh tế Việt Nam

 

  1. Tình thế phát triển
    1. Bối cảnh chung:

Trên bình diện tổng quát, có thể nói Việt Nam – cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử - thời đại, với sự thay đổi:

  1. Nền tảng phát triển: từ không gian vật lý chuyển sang không gian “số”; từ thời đại “lao động chân tay – kinh nghiệm” sang thời đại “lao động trí tuệ – sáng tạo”,
  2. Cấu trúc phát triển: chuyển từ thời đại kinh tế vật thể – thủ công chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao,
  3. Tính chất – quy mô phát triển: giới hạn địa phương mở ra toàn cầu.

Quá trình thay đổi đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, mang tính hệ thống và rất căn bản (toàn diện, triệt để). Nó tạo ra những cơ hội và thách thức khác thường, đặc biệt là cho những nước đi sau.

Nhận định đó hàm nghĩa: việc giải quyết hệ vấn đề phát triển đương đại đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới về nguyên tắc.

Ở tầm nhìn trung và dài hạn, bối cảnh thế giới được khắc họa bằng những đường nét ít lạc quan. Dự báo của Ngân hàng Thế giới về “một thập niên mất mát” [trung hạn, đến 2030] và “xu hướng đối mặt với các con gió nghịch” [ngắn hạn/cho năm 2023-2024] chứa đựng cảnh báo về xu thế khó khăn trội bật kéo dài của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Nó hàm ý về những giải pháp vượt qua không dễ dàng cho cộng đồng thế giới, mỗi quốc gia và doanh nghiệp. 

Là quốc gia “đi sau” nhưng có độ mở cửa – hội nhập quốc tế cao trên mọi phương diện, Việt Nam không nằm ngoài xu thế toàn cầu và thời đại đó. Thậm chí, vì một số lý do đặc thù, cả cơ hội và thách thức thời đại mà Việt Nam đối mặt là khá “khác thường”. Ở đây, kinh tế là lĩnh vực được coi là điển hình vì gắn liền với độ mở cửa cao, nền kinh tế Việt Nam có đặc trưng nổi bật là “đi sau, tụt hậu và yếu kém”, trong khi cách lựa chọn định hướng phát triển kinh tế thị trường lại đậm tính “bản sắc”.

    1. Tình thế phát triển cơ bản hiện tại của Việt Nam

Cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam lại ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.

Điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch covid và vượt qua nó theo một logic “nghiệt ngã” không hoàn toàn giống nhiều nước khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển nhìn chung là tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng – ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.

Bảng 1: Tăng trưởng GDP các nền kinh tế ASEAN: thực tế và dự báo (%/năm)

Nguồn: ADB – ADO July 2023

Trong sự so sánh quốc tế, những thành tích kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa hiện nay.  

Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có hai vấn đề lớn đặt ra.

Thứ nhất, xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài.

Hình 1 cho thấy, trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân.

Hình 1: Động thái tăng trưởng GDP dài hạn của Việt Nam (1991-2021):

động lực suy giảm mạnh kéo dài

 

Đồ thị trên cho thấy tồn tại thực tế xu hướng suy giảm mạnh kéo dài động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suốt từ khi bắt đầu đổi mới tới nay.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao.

Thứ hai, nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế

Thực tế cho thấy quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”.

Xin nêu một vài minh chứng.

  • Nghịch lý phát triển doanh nghiệp: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.

Nhận định này không hẳn là nghịch lý, thậm chí, nó còn thuận lý lịch sử, giống như nhận định “ai giỏi chịu khổ thì khó trở thành giàu”[1].

Đối với lực lượng doanh nghiệp Việt, tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu, song có những đặc điểm phát triển khác thường.

Một mặt, đó là những doanh nghiệp có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường.

Một trong những bằng chứng rõ ràng, thuyết phục của nhận định đó chính là thực tế hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam – thường là gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch”, cũng thường là cao vượt trội. Xin lưu ý rằng việc trả giá vốn cao ở Việt Nam không diễn ra trong một thời gian ngắn, có tính nhất thời và đơn lẻ. Thực tế, nó đã kéo dài trường kỳ hàng chục năm.

Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, trình độ còn thấp và thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế “mở”.

Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại – một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.

Nhưng thực tế lại cũng cho thấy một khía cạnh khác trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt. Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt, mặc dù chúng là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam như Đảng xác định[2].  

Từ góc nhìn này, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức”, sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại. Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã “ra đi”.

Đối ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp, xu thế đó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế yếu của doanh nghiệp Việt Nam[3].

Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023.

Sang năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số “rút khỏi thị trường” tăng mạnh. Tám tháng đầu năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” (124.700) so với số doanh nghiệp “mới thành lập” và “gia nhập lại” (149.400) đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022.

Trong 8 tháng đầu năm, tính bình quân mỗi tháng có 18.600 doanh nghiệp lập mới và tái gia nhập thị trường trong khi 15.600 DN “rút khỏi thị trường”, tổng lượng vốn đăng ký giảm 19,8%, phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập, đồng nghĩa với xu thế “li ti hóa” doanh nghiệp Việt tăng lên.

Thêm vào đó, cần lưu ý một thực tế khác: doanh nghiệp đóng cửa là doanh nghiệp đang tồn tại thực, tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực, trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa tồn tại “thực” và có thể không tồn tại thực. Trong trường hợp khả dĩ - doanh nghiệp mới thành lập có tồn tại và hoạt động thì đóng góp “thực” của nó cho nền kinh tế cũng chỉ diễn ra từng bước sau khi thành lập ít nhất 3-6 tháng, trong khi doanh nghiệp “đóng cửa” gây “tổn thất” cho nền kinh tế ngay lập tức.

Nhận định này hàm ý cảnh báo tương lai: Cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được “bù đắp” kịp thời bằng số doanh nghiệp mới “đăng ký thành lập”[4].  

Hình 1: Doanh nghiệp Việt Nam: THỜI ĐIỂM KHÓ KHĂN

 

 

[Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tình hình Kinh tế – Xã hội 8 tháng đầu năm 2023]

Xu thế phát triển doanh nghiệp chậm lại và khó khăn hơn trong thời gian gần đây phản ánh một tình thế mới, chưa từng thấy trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam.

  • Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn.

Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công – trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ - được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm: mới đạt 39,6% kế hoạch.

Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.

Nguồn: Widata

Mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thực sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp đang “đói vốn, khát vốn”. Nó càng khó ngờ khi trong mấy tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn.

Cộng lực với Chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng làm điều “chưa từng thấy”: 4 lần hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện vay vốn, cho dù áp lực nợ xấu, lạm phát, tỷ giá hối đoái và cả áp lực “phải đẩy mạnh cho vay”[5] tiếp tục tăng.

Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển.

Hẳn nhiên, trong tình trạng chung đầy bất thường và khác thường, sẽ còn nhiều nghịch lý phát triển khác (xem hộp ở dưới). Ở đây, việc chỉ tập trung giới thiệu hai “nghịch lý phát triển”điển hình [nêu trên], đơn giản vì chúng gắn với hai loại nguồn lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế thị trường (vốn và doanh nghiệp), tạm đủ để luận chứng về trạng thái bất thường – khác thường của nền kinh tế hiện nay. Chúng là đủ để giúp khẳng định chính tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Vài nghịch lý bổ sung:

Nghịch lý Tăng trưởng GDP cao – Lạm phát thấp

Nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%. Thực tế này “nghịch chiều” với xu hướng lạm phát tăng, GDP suy giảm tăng trưởng mạnh ở đa số các nền kinh tế trên thế giới. Nhưng không có lý do để nghi ngờ tính xác thực của thành tích mà nền kinh tế Việt Nam đạt được.

Tuy nhiên, thực tế đó dường như “xung đột” với lý thuyết. Tăng trưởng GDP cao trong điều kiện lạm phát thấp – mức lạm phát thường thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt trong năm 2023 chỉ chưa bằng ½ - được duy trì suốt mấy năm qua, trong tình trạng doanh nghiệp Việt Nam“bị khát vốn” cao độ, gây tác động tiêu cực không nhỏ đến nỗ lực tăng trưởng, là một thực tế khác thường.

 

Nghịch lý “lạm phát thấp >< lãi suất cao”.

Trong những năm gần đây (2021-2023), khác với nhiều nền kinh tế trên thế giới chịu lạm phát cao chưa từng thấy trong nhiều thập niên, Việt Nam lại thành công trong việc duy trì mức lạm phát thấp.

Dù vậy, doanh nghiệp Việt vẫn phải chịu mức lãi suất ngân hàng 12-15%/năm. Cách diễn đạt “nền kinh tế Việt Nam có mức lạm phát thấp nhất, lãi suất cao nhất thế giới” có thể không chính xác tuyệt đối, song phản ánh đúng thực trạng nghịch lý phát triển mà nền kinh tế đang nỗ lực tháo gỡ[6].

 

  1. Nguyên lý và kinh nghiệm
    1. Nguyên lý

Trong bộ “Tư bản”, K. Marx khẳng định: Tư bản [Capital = Vốn][7] là vận động, phải luôn vận động; vốn không vận động là vốn chết, không phải là vốn. Vốn chết không chỉ gây lãng phí to lớn cho các chủ sở hữu của nó mà còn đe dọa sự tồn tại của cả hệ thống, của nền kinh tế thị trường. Hệ thống kinh mạch bị ngưng trệ sẽ dẫn đến chỗ cơ thể bị hủy diệt.

Luận điểm đó hàm ý: không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa chúng vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn luôn là trách nhiệm ưu tiên của các hoạt động điều hành. Năng lực – tiềm năng phải được chuyển hóa thành thực lực - động lực. Lợi thế so sánh, để phát huy được, phải biến thành lợi thế cạnh tranh. Không có sự chuyển hóa đó, nền kinh tế sẽ trì trệ, bất động, sẽ bị tiêu diệt trong cạnh tranh.

Không có gì thừa khi khẳng định lại: bảo đảm để các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp[8].

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần xác lập các điều kiện sau:

  • Hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”.
  • Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao[9].
  • Bảo đảm “Tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống:

+ Thông suốt hạ tầng [thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm]

+ Thông thoáng cơ chế [thể chế thị trường, công khai – minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, …]

+ Thông minh vận hành [bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo, …]

Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

Có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là i) phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; ii) xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.  

    1. Kinh nghiệm

Thực tiễn đổi mới – phát triển kinh tế thị trường của chính Việt Nam cung cấp nhiều bài học đặc sắc về phát huy nội lực nhờ biết cách khơi thông các mạch nguồn và tạo kết nối.

Xin nêu một vài bài học điển hình.

Bài học thứ nhất: “Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”.

Quá trình đổi mới thực sự diễn ra nhờ áp dụng một công thức phát triển đơn giản hiếm thấy: từ bỏ việc cấm đoán kinh tế tư nhân và các thị trường, chính thức thừa nhận và cho phép vận hành nền kinh tế nhiều thành phần (thực chất là cho phép kinh tế tư nhân hồi sinh) và các thị trường đầu vào được hoạt động công khai.

Nền kinh tế bao cấp phi thị trường đang khủng hoảng nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ, ngay lập tức hồi sinh và trỗi dậy một cách thần kỳ.

Bài học thành công thật sự đơn giản: khai thông các thể chế thị trường, càng triệt để, thành tích phát triển càng lớn. Mấu chốt chính là thể chế, các kênh khơi thông nguồn lực (các thị trường) và cơ chế phân bổ phù hợp (cạnh tranh thị trường).

Chỉ tiếc là mãi hơn 30 năm sau, đến năm 2018, khu vực tư nhân - lực lượng kinh tế góp phần quan trọng bậc nhất vào thành công của đổi mới mới được chính thức thừa nhận là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Bài học thứ hai: bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo.

Cho đến nay, điện vẫn luôn là một sản phẩm “khan hiếm”, mang tính “chính trị” cao và đặc biệt nhạy cảm về giá. Việc duy trì giá điện thấp theo kiểu “bao cấp” là nguyên chính gây căng thẳng cung – cầu, thậm chí xung đột trong đời sống. Nó khuyến khích tiêu dùng điện giá rẻ, đồng nghĩa với khuyến khích nền sản xuất công nghệ thấp trong khi không khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện.

Sự căng thẳng này chỉ được giải quyết khi tiềm năng điện gió – điện mặt trời được phát huy nhờ Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giá điện năng lượng tái tạo có tính khuyến khích cao. Bùng nổ các dự án điện gió, điện mặt trời ở các địa phương vốn rất nghèo do không có lợi thế phát triển nông nghiệp. Một sự đổi đời thật sự chủ yếu nhờ biết áp dụng cơ chế giá thị trường (phát triển thị trường điện). Nền kinh tế, về nguyên tắc, thoát khỏi tình trạng khan hiếm điện – giống như đất nước trước đây, từ một quốc gia đói nghèo, nhanh chóng trở thành “cường quốc lúa gạo” nhờ áp dụng nhanh cơ chế giá thị trường cho mặt hàng thuộc loại “an ninh quốc gia”. Logic giá điện thị trường được áp dụng trong bối cảnh thế giới chuyển sang thời đại năng lượng mới chứa đựng xu thế đưa Việt Nam thành một quốc gia có vị thế năng lượng toàn cầu[10].

Bài học thứ ba: thiên lệch trong phát triển các thị trường tài chính – tiền tệ.

Cho đến nay, sự phát triển thiên lệch các thị trường tài chính – ngân hàng là nguyên nhân cơ bản gây ra những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế. Thị trường tín dụng đang phải đóng vai là người cung cấp vốn chính – cả vốn ngắn hạn lẫn dài hạn - cho nền kinh tế; trong khi những thị trường và kênh có chức năng chính là cung cấp vốn dài hạn như thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, kênh đầu tư công chưa được quan tâm phát triển đúng tầm và đúng cách, dẫn tới chỗ phát triển chưa đến tầm và thiếu đồng bộ. Đây là một trong những căn nguyên chính của tình trạng tắc nghẽn cung – cầu về vốn, dễ tạo sóng đầu cơ và gây nhiều rủi ro hệ thống.

Một thực tế điển hình là cách phản ứng chính sách giật cục [điển hình là cách “ứng xử” với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2023] đã gây tổn thương cho thị trường, cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp[11].

Hình 3: Trồi sụt của thị trường trái phiếu DN: cơ hội lớn - rủi ro cao

Bên cạnh đó, các kênh cung ứng vốn nhà nước quan trọng hàng đầu như đầu tư công (và cả chi tiêu công) gặp nhiều ách tắc về cơ chế, thủ tục, sau nhiều thập niên, hầu như không cải thiện gì về tốc độ, có những mặt còn trầm trọng hơn.

Về tổng thể, tình trạng thiên lệch phát triển và khó - không thể phối hợp hoạt động của các thị trường tài chính và các kênh cung ứng vốn công được xác định là nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn và khó khăn mà khu vực kinh tế “nội” đang lâm vào. Tình trạng “không thể”, “không muốn” và “không dám” vay vốn của doanh nghiệp có căn nguyên từ cách phát triển các thị trường tài chính như vậy[12].

  1. Thay đổi động thái và xu hướng khởi sắc
    1. Cách tiếp cận – hành động mới của Chính phủ

Dưới những áp lực mạnh mẽ của thực tiễn, trong sự đồng thuận phối hợp của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách và giải pháp để cải thiện tình hình. Nhiệm vụ là định hình một khung khổ chính sách định hướng “bình thường mới” để thích ứng. Trong những điều kiện đặc biệt khó khăn “hậu covid” của nền kinh tế thế giới lẫn kinh tế Việt Nam, đây là nhiệm vụ có tính thách thức rất cao.

Trên thực tế, quy trình xây dựng và thực chất của các chính sách và giải pháp mà Chính phủ – Quốc hội thực thi thời gian gần đây, rõ nhất là từ nửa sau năm 2022 đến nay, được triển khai theo tinh thần “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường”. Cách tiếp cận này thể hiện đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở những mức độ khác nhau, tạo động thái phục hồi và tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây.

Có thể nêu một số ví dụ điển hình để minh hoạ.

+ Kịp thời sửa đổi và ban hành Nghị quyết mới về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

+ Liên tục (4 lần) hạ lãi suất ngân hàng để giảm áp lực vay vốn cho doanh nghiệp.

+ Quyết liệt giải ngân đầu tư công, ráo riết thực hiện chương trình phát triển hạ tầng giao thông, tập trung vào hệ thống đường bộ cao tốc và sân bay.

+ Tích cực tháo gỡ các nút thắt trong một số dự án bất động sản lớn, nhằm giảm dần áp lực “nổ” cho thị trường.

+ Thay đổi mạnh mẽ chính sách vi sa – thị thực cho người nước ngoài.

Còn nhiều chính sách và giải pháp cụ thể khác trong lĩnh vực tài khóa - tiền tệ, trong y tế, phòng cháy – chữa cháy, … được đề xuất và triển khai theo cách thức tương tự: mạnh mẽ, quyết liệt, theo logic khác thường, …, nhờ đó, thúc đẩy giải quyết vấn đề, giúp sớm khôi phục lòng tin của thị trường và xã hội.

Hiện nay, trong nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế “bản địa” nói riêng, vẫn tồn đọng nhiều vấn đề chưa giải quyết được, doanh nghiệp vẫn đối mặt không ít khó khăn, động lực tăng trưởng vẫn chưa phục hồi, thậm chí còn suy yếu. Thêm vào đó, vì những lý do ngoài kinh tế, lòng tin thị trường vẫn chưa được khôi phục đầy đủ như mong đợi[13]. Trong khung cảnh đó, khâu thực thi chính sách vẫn “tụt hậu” khá xa so với khâu ban hành chính sách.

Tình hình thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, khó khăn, đang tác động tiêu cực mạnh đến nền kinh tế nước ta. Trong nhiều trường hợp, những tác động này “vượt ngoài tầm với” chính sách của Chính phủ.

Song, trong bối cảnh đó, cách tiếp cận chính sách và giải pháp mới của Nhà nước đang tạo ra những thay đổi rõ rệt, có giá trị “làm xoay chuyển tình thế” của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực “bản địa”. Điều đó cho thấy triển vọng của tư duy và cách tiếp cận chính sách, giải pháp mới đang được triển khai[14].

    1. Định hướng tương lại và cam kết tạo động lực mới.

Trong thời gian gần đây, bên cạnh những nỗ lực “chỉnh sửa, tháo gỡ, thay đổi” những trói buộc và cản trở của hệ thống cơ chế, chính sách hiện tồn, Đảng và Nhà nước còn tích cực nhận diện và định hình chân dung mới của nền kinh tế theo nguyên tắc “hướng tới tương lai”, trên cơ sở đó, định hướng xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới chủ yếu cho nền nền kinh tế.

Cách lựa chọn đường lối này là đúng đắn, và cần phải coi đây là cách thức ngày càng chủ đạo để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia.

Việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “zero carbon” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam – đi sau những nỗ lực vượt trước để “tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại”.

Về thực chất, đây là cách đặt nhiệm vụ theo kiểu “tạo thách thức chính mình”, nói chung là mới mẻ ở Việt Nam[15]. Nếu triển khai được, cách làm này, chứa đựng trong nó hạt nhân của tinh thần cạnh tranh và hệ thống khuyến khích hoạt động mang tính thị trường (đề cao trách nhiệm cá nhân) sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của bộ máy.

Định hướng mới mẻ này đang được triển khai rõ nhất trên hai tuyến quan trọng cuả nền kinh tế – phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi số.

Cách tiếp cận Quy hoạch Điện VIII, với ưu tiên mang tính bước ngoặt (không ngờ) vào phát triển năng lượng tái tạo, định hướng vào công nghệ điện hydrogien mở ra những khả năng và triển vọng to lớn để cải thiện năng lực của Việt Nam – không chỉ là năng lực giải quyết tình trạng thiếu điện tiêu dùng của đất nước mà còn là tạo vị thế mới và mạnh cho Việt Nam trên thị trường năng lượng toàn cầu. Đó là chưa kể những lợi ích to lớn khác phái sinh từ đó, gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu – đang là những mục tiêu cấp bách hàng đầu của toàn thế giới.

Có lẽ không cần bàn thêm ở đây – do giới hạn phạm vi bài viết – về tuyến phát triển kinh tế số mà Chính phủ đang chỉ đạo thúc đẩy ráo riết với tư cách là một động lực vừa có vai trò thúc đẩy, vừa có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế trong giai đoạn tới[16].

Hai tuyến hành động này chưa bao quát mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, song chúng có giá trị định hướng, đặc biệt là ở khía cạnh tạo động lực phát triển mới phù hợp với xu thế thời đại[17]. Tính thời đại sẽ là nền tảng bảo đảm vai trò chủ đạo của những động lực đó.

Theo đó, cần thiết kế định hướng các ưu tiên chính sách, khai thông các tuyến “huyết mạch” chủ yếu để việc tập trung phân bổ nguồn lực và vận hành chúng thông suốt được thực hiện.

 

    1. “Thập niên mất mát” của Kinh tế Thế giới và sức hấp dẫn đầu tư quốc tế của Việt Nam

Kinh tế thế giới được dự báo là đang trong thời kỳ “một thập niên mất mát”. Đây là một dự báo có nhiều căn cứ đáng tin cậy (xung đột trên thế giới, thời đại “tiền dễ” không còn, hậu quả trầm trọng của covid, biến đổi khí hậu, tình trạng đứt chuỗi và “vỡ cấu trúc”, …).

Xét theo logic thông thường và theo xu thế chung, nền kinh tế có độ mở cửa cao nhưng thực lực chưa mạnh của Việt Nam sẽ chịu những tác động tiêu cực mạnh mẽ từ tình hình đó.

Thách thức này buộc Việt Nam phải chuẩn bị năng lực để đối phó, bao gồm củng cố những năng lực – động lực hiện có và quan trọng không kém, thực ra là ngày càng quan trọng hơn, phát triển những năng lực – động lực mới.

Một trong những tuyến năng lực đó – mà Việt Nam đang có lợi thế – là sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài mạnh.

Thực sự, Việt Nam đang có những điều kiện tự thân (do đó, đáng tin cậy), cộng với bối cảnh quốc tế tạo ra những lực xô đẩy cơ bản thuận chiều, có lợi, để duy trì và gia tăng sức hấp dẫn đó.

Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là thu hút và định hướng sử dụng đầu tư nước ngoài thế nào để “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” – là mục tiêu mà Việt Nam đang đặt ra, trước hết là cho chính mình trong việc tạo lập môi trường đầu tư.

Cho đến nay, trong hoạt động này, dường như quan điểm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, cách triển khai thực hiện chưa thật sự phù hợp với tinh thần “hài hòa lợi ích”, trong đó, lợi ích phát triển của Việt Nam chưa thật sự được bảo đảm như mong đợi, đặc biệt là một số lợi ích chiến lược – ví dụ lợi ích lan tỏa phát triển ra khu vực bản địa, nâng cao năng lực tự chủ công nghệ và năng lực cạnh tranh của khu vực “nội lực”, v.v.

Đó là chưa kể đến xu thế hình thành “nền kinh tế nhị nguyên” có nguy cơ gây méo mó cấu trúc và sai lệch định hướng chính sách.

Giai đoạn phát triển mới đang mở ra cơ hội mới và lớn khác thường cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng tạo động lực to lớn để tạo nhảy vọt phát triển.

Mấu chốt vấn đề ở đây là hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại, quản trị thông minh cộng với các điều kiện nền tảng đồng bộ là hạ tầng kết nối – nguồn nhân lực chất lượng – lực lượng doanh nghiệp bản địa đủ mạnh để nối chuỗi.

Việc thiết kế một hệ nhiệm vụ nhằm tạo lập các điều kiện nêu trên theo hướng ưu tiên là việc làm cấp bách bậc nhất hiện nay – không chỉ để tận dụng tốt thời cơ mà quan trọng hơn về mặt chiến lược – để nền kinh tế phát triển năng lực độc lập tự chủ trong hệ thống kinh tế mở toàn cầu.

  1. Những giải tỏa chiến lược cần có: Tiếp cận mới, nhận thức lại và hành động quyết liệt (nêu luận đề)
    1. Cách tiếp cận thị trường hiện đại: giảm “xin – cho” và định hướng chuỗi (khắc phục tư duy “hàng thiết yếu” và “bản năng hành chính” trong điều hành kinh tế thị trường.

 

    1. Nhận thức lại về Ổn định kinh tế vĩ mô

(gắn với nguy cơ định hướng sai lệch chính sách của nền kinh tế nhị nguyên)

(quan hệ tăng trưởng và lạm phát)

 

    1. Ưu tiên cao độ cho sự phát triển các thị trường đầu vào trọng điểm, đặc biệt nhấn mạnh thị trường đất đai (cấp bách hàng đầu), thị trường lao động và chuẩn bị cho tương lai – thị trường sở hữu trí tuệ.

 

    1. Phát triển có hệ thống và đồng bộ các thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu Chính phủ, từng bước mở và nối thông với các thị trường tài chính quốc tế) cùng các kênh dẫn vốn ngân sách cho nền kinh tế (đầu tư công, chi tiêu ngân sách, …)

 

    1. Định hướng ưu tiên cho các kênh cung cấp vốn, không phân biệt thành phần: lựa chọn ưu tiên hỗ trợ cho các ngành nghề có định hướng “tương lai” [đáp ứng các yêu cầu công nghệ cao, phát thải carbon, kinh tế “xanh”, …].       
 

[1] Câu ngạn ngữ “dễ làm khó bỏ”, phản ánh một phương châm sống được coi là “khôn ngoan”. Người Việt còn rất tự hào về “năng lực chịu khổ” của mình. Nhưng lịch sử cho thấy dường như những chủ thể có hai phẩm chất thường được ca ngợi đó thường khó và chậm phát triển.

[2] Luận điểm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” xuyên suốt đường lối phát triển nền kinh tế thị trường mở cửa – hội nhập của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

[3] Rất tiếc là vẫn chưa có một cuộc khảo sát nào giúp xác định xu hướng “tuổi thọ” của doanh nghiệp Việt. Tình thế phát triển hiện nay cho thấy đây là một việc làm có tầm quan trọng đặc biệt và cấp bách.

[4] Cảnh báo này ít được chú ý, trong khi các số liệu phản ánh “số doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường” lại dễ dàng được đón nhận để tạo niềm tin về thực lực doanh nghiệp Việt vẫn tăng nhanh, kể cả khi số doanh nghiệp đóng cửa tiệm cận số doanh nghiệp đăng ký thành lập.

Xu hướng tương tự cũng diễn ra với khu vực kinh tế hộ gia đình, khi khu vực này đối mặt với những khó khăn tương tự khu vực doanh nghiệp, thậm chí còn gay gắt hơn – do quy mô nhỏ, trình độ thấp, độ phân tán và độ nhạy cảm với rủi ro thị trường cao hơn. Xin lưu ý rằng khu vực kinh tế hộ gia đình đang đóng góp 30% GDP, còn khu vực doanh nghiệp bản địa chỉ đóng góp khoảng 10%. Mức độ “rút lui khỏi thị trường” của 2 khu vực này, vì thế, ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng GDP chung.

[5] Hiếm khi các NHTM Việt Nam lâm vào tình huống dư thừa vốn huy động như hiện nay. Chính tình huống này dẫn tới mối quan hệ giữa hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được mô tả không chỉ là “cộng sinh” mà còn là “cộng tử” [ý kiến của một quan chức NHNN Việt Nam]

[6] Chính phủ Việt Nam đã nhận diện rõ nghịch lý này, đang thúc đẩy hệ thống ngân hàng nỗ lực giảm mạnh lãi suất tín dụng. Nhưng để giải quyết triệt để vấn đề, cần làm rõ các nguyên nhân cơ cấu của nghịch lý.

[7] Vốn - Tư bản, theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các nguồn lực, các yếu tố đầu vào và đầu ra trong nền kinh tế, từ nguyên, nhiên, vật liệu, đất đai, tiền vốn, lao động, quản lý cho đến sản phẩm cuối cùng.

[8] Sự vận hành nền kinh tế trong những năm covid vừa qua cho phép đúc kết nhiều bài học quan trọng về lưu thông vốn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường. Sự ách tắc lưu thông các loại nguồn lực đã gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong đời sống kinh tế- xã hội trong khi cách tiếp cận quyết liệt của Chính phủ để “phá vòng phong tỏa covid”, bảo đảm sự lưu thông các nguồn lực, điển hình là giữ mạch thông cho các Khu Công nghiệp, … là những ví dụ đặc sắc.

[9] Đây là nguyên tắc tối cao để phát triển kinh tế thị trường, kể cả kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Nguyên tắc này giải thích tại sao thị trường đất đai, các thị trường tài chính – ngân hàng [thị trường tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp - trái phiếu Chính phủ, thị trường chứng khoán] và các kênh bơm vốn chính cho thị trường [đầu tư công, chi tiêu Chính phủ, …] lại đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn “chuyển đổi kinh tế”, khi các thị trường thường phát triển tự phát, thiếu đồng bộ và dễ bị đầu cơ.

Nhưng thực tế lại cho thấy hiện nay, các thị trường đầu vào quan trọng bậc nhất đó phát triển không đồng bộ, bị méo mó, với các quyền tài sản (quyền sở hữu) không được tôn trọng đầy đủ, làm cho việc lưu thông các nguồn lực khó khăn, thường xuyên bị tắc nghẽn, chi phí cao và nhiều rủi ro.

[10] Những trục trặc trong việc phê duyệt để đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành mùa hè năm nay (2023) trong bối cảnh nhu cầu điện tăng đột biến [thiếu điện gay gắt, song nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành trước khá lâu vẫn không được phê duyệt để đưa vào vận hành] là một ví dụ “ngược” về vai trò to lớn của việc khai thông thể chế cho thị trường đầu vào đặc biệt quan trọng này. Vấn đề được giải quyết khá nhanh nhờ Chính phủ có những biện pháp quyết liệt theo hướng thị trường.

[11] Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện đại, song lại chưa dành được sự quan tâm phát triển tương xứng. Thị trường này kém phát triển hơn đáng kể so với thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường chứng khoán, chưa kể thị trường tiền tệ. Trong giai đoạn 2021-2022, khi thị trường bất động sản khát vốn cao độ, tận dụng “lợi thế” còn “ít được quan tâm”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp “bùng nổ”, cung cấp một lượng vốn lớn để giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường bất động sản, góp phần làm nền kinh tế “tươi tỉnh, khởi sắc” trở lại. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thị trường này có phần “gây sốc”. Do đó, khi xẩy ra một vài sự cố liên quan, thị trường này bị đặt vào trạng thái “bị siết”, gây choáng trên cả thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Dù ngay lập tức Chính phủ đã có những giải pháp mạnh và kịp thời để “cứu” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng tín dụng ngân hàng và khôi phục niềm tin thị trường, song cách làm thiếu phối hợp, không đồng bộ, gây chậm trễ trong hoạt động của bộ máy, hậu quả của tình trạng đó vẫn còn nặng và kéo dài.

[12] Đó là chưa kể tác động của tình trạng kém phát triển của thị trường đất đai, hệ lụy từ Luật Đất đai chưa hoàn thiện và thiếu tính thị trường cũng gây ra những hậu quả phát triển rất nghiêm trọng.

[13] Thêm vào đó, nhiều trở ngại của quá trình thực thi chính sách, một cách thực tiễn, vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Tình thế này có căn gốc ở chính hệ thống thể chế, luật lệ phức tạp, chồng chéo, thậm chí “xung đột” đang vận hành. Nó chứa đựng nguy cơ gây rủi ro cho quá trình thực thi chính sách, làm tổn thương không đáng cho nền kinh tế thị trường.

[14] Tình trạng căng thẳng trên các tuyến thị trường đầu vào, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, đang có xu hướng “giãn ra”, thậm chí đang có phần khởi sắc trở lạicủa Việt Nam

[15] Cách tiếp cận mục tiêu “thách thức” này ngược với tư duy “dễ làm khó bỏ” vẫn ngự trị lâu nay. Nó cũng không có gì giống cách hành xử theo “chủ nghĩa thành tích” (đặt mục tiêu thấp để luôn luôn “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”)

[16] Những thỏa thuận đạt được giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến thăm của Tổng thống J. Biden vừa qua càng khẳng định thêm sức nặng của định hướng phát triển và cách tiếp cận động lực này.

[17] Cách nhận diện vấn đề này, hoàn toàn phù hợp để mở ra cho một phạm vi bao trùm hơn (kinh tế xanh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, … là những định hướng giá trị toàn cầu, bao phủ tất cả các ngành truyền thống và hiện đại) và ở tầm cao hơn (kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh, …).