A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Tập trung thúc đẩy phục hồi kinh tế trở thành một ưu tiên quan trọng, song cũng là “nhu cầu” tự nhiên của nền kinh tế và doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đề ra các giải pháp tài khóa và tiền tệ quan trọng, cụ thể, gắn với phương án huy động nguồn lực và áp dụng một số nội dung cơ chế đặc thù. Nghị quyết 43/2022/QH15 được thực hiện trong khung thời gian các năm 2022-2023.

 

 

Trần Thị Hồng Minh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

  1. Giới thiệu

Từ tháng 10 năm 2021, Việt Nam đã chuyển sang cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Đến đầu năm 2022, cách tiếp cận này đã đi vào thực hiện bài bản, tích cực hơn. Dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện (ở cả mũi thứ hai và thứ ba) và số ca nhiễm liên tục giảm. Theo đó, Việt Nam đã dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh, v.v. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, tập trung thúc đẩy phục hồi kinh tế trở thành một ưu tiên quan trọng, song cũng là “nhu cầu” tự nhiên của nền kinh tế và doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đề ra các giải pháp tài khóa và tiền tệ quan trọng, cụ thể, gắn với phương án huy động nguồn lực và áp dụng một số nội dung cơ chế đặc thù. Nghị quyết 43/2022/QH15 được thực hiện trong khung thời gian các năm 2022-2023.

Báo cáo này tập trung vào một số đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH2015 kể từ năm 2022 đến nay. Trên cơ sở đó, Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị trong thời gian tới.

  1. Tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Cần lưu ý, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện gói kích cầu trong giai đoạn ứng phó với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu vào các năm 2009-2010, các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong Chương trình đã có sự đồng bộ, kết hợp hài hòa và hiệu quả giữa các giải pháp tài khóa, tiền tệ với cải cách thể chế kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh và cải cách hành chính. Nghị quyết số 11/NQ-CP đã quy định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình, phương án huy động và bố trí nguồn lực để thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách.

Quá trình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội diễn ra rất khẩn trương ngay trong năm 2022. Thủ tướng Chính phủ đã có 03 Công điện đôn đốc, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và tập trung chỉ đạo thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, 12/17 văn bản đã được ban hành để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đến hết tháng 11/2022, 17/17 văn bản đã được ban hành, trong đó có Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 28/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2022 về ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2022 về gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước,… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định liên quan để thực hiện Chương trình, trong đó có Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2022 về Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022, trong đó quy định mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo, thành lập các tổ công tác nhằm quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, trong đó có các hoạt động đầu tư công thuộc Chương trình.

Các bộ, cơ quan cũng chủ động ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành văn bản số 5520/BKHĐT-QLĐT ngày 08 tháng 8 năm 2022 về việc hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với gói thầu đối với gói thầu về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20 tháng 5 năm 2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Tính đến cuối năm 2022, kết quả giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng số vốn của Chương trình. Trong đó, giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.009 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 900 tỷ đồng; giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt khoảng 3.744 tỷ đồng; giải ngân hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đạt hơn 85 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay là 50.173 tỷ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Về chi đầu tư phát triển đến hết năm 2022, trong tổng số 176 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao hơn 147,1 nghìn tỷ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án. Đối với phần vốn còn lại, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 129 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn là 14,7 nghìn tỷ đồng, còn lại 40 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư (hơn 10,8 nghìn tỷ đồng) và các dự án chưa thông báo (hơn 3,3 nghìn tỷ đồng).

Trên một phương diện khác, Chính phủ tiếp tục duy trì đà cải cách thể chế kinh tế nhằm tạo không gian kinh tế lớn hơn, thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 đã đề ra những mục tiêu cập nhật về cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh, phục hồi xanh cũng đã được chú trọng và làm sâu sắc hơn. Trên cơ sở tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bên cạnh đó là việc ban hành một loạt văn bản, quy định theo hướng tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số.

Sang năm 2023, năm cuối thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, công tác chỉ đạo triển khai càng sát sao và quyết liệt hơn. Tính đến hết tháng 8/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt gần 94,7 nghìn đồng. Trong đó, cho vay 05 chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 20.347 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 2.390 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.679,3 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt khoảng 681 nghìn tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 60.201 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng. Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đạt trên 175,2 nghìn tỷ đồng. Số vốn giải ngân từ Chương trình tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2023 ước đạt khoảng 33.840 tỷ đồng (đạt 26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng tháo gỡ rào cản, vướng mắc về quy định, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư toàn xã hội. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số rào cản, khó khăn vướng mắc được tháo gỡ; những vấn đề khó khăn, thách thức với hoạt động sản xuất kinh doanh với nền kinh tế đã được nhận diện và có những hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được sự lắng nghe, nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ. Song song với các chính sách, chỉ đạo quan trọng là các giải pháp bổ trợ về (i) tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; (ii) thực hiện thường xuyên và hiệu quả công tác truyền thông chính sách. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phân công từng Thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với các địa phương để nắm bắt tình hình của từng địa phương, chủ động có giải pháp tháo gỡ kịp thời; đồng thời yêu cầu các địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn[1]. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 238/CĐ-TTg và Quyết định số 435/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ để rà soát, nắm bắt tình hình và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu tại từng địa phương, Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh công tác triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển và các dự án quan trọng quốc gia. Nổi bật trong số đó là các dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; Đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh; Vành đai 4 Vùng Thủ đô… được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các công trình giao thông quan trọng, dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa được đưa vào khai thác như: các tuyến đường bộ ven biển Phú Yên, Bình Thuận, khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Cát Tiến - Mỹ Thành (Bình Định), các đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2,…

  1. Một số đánh giá

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến nay có một số điểm tích cực. Thứ nhất, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 một cách khoa học, kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả đã tạo động lực đáng kể cho quá trình phục hồi kinh tế. Nhờ đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đã tăng tới 8,02% so với năm 2021, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022[2]. Quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi rõ nét trong các quý đầu của năm 2022: quý I/2022 tăng 5,05%; quý II/2022 tăng 7,83%; quý III/2022 tăng 13,71%. Cũng cần nói thêm, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối thấp trong các quý kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023 (quý IV/2022 tăng 5,92%; quý I/2023 tăng 3,28%; quý II/2023 tăng 4,14%) chịu tác động rất lớn từ khó khăn của kinh tế thế giới, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ chốt duy trì thắt chặt tài chính, xung đột Nga-Ucraina kéo dài, giá cả hàng hóa ở mức cao,… Có thể nói, nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay, trong đó có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15, chắc chắn kết quả tăng trưởng kinh tế sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

Thứ hai, Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Lạm phát (tính theo CPI bình quân, so với cùng kỳ năm trước) chỉ ở mức 3,15% trong năm 2022, và 3,1% trong 8 tháng đầu năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, đạt 12,1 tỷ USD trong năm 2022, ghi dấu ấn thặng dư 7 năm liên tiếp, và đạt gần 19,9 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023. Tỷ giá VNĐ/USD cơ bản ổn định, mặc dù có những biến động mạnh trong các tháng 9-11 của năm 2022 nhưng đã nhanh chóng ổn định trở lại. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD và giá hàng hóa cơ bản tăng trên thị trường thế giới, những thành quả mà Việt Nam đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất đáng lưu tâm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát càng cho thấy chất lượng phục hồi của tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Khác với giai đoạn ứng phó với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, quá trình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có chất lượng hơn, gắn cả với cải cách cơ cấu và tăng năng lực cung của nền kinh tế. Do đó, vấn đề “đánh đổi” giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát đã không xảy ra. Kết quả này cũng nhất quán với đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2021): nếu chỉ tập trung vào nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà không lưu tâm đến cải cách cơ cấu thì tăng trưởng cao sẽ đi kèm với áp lực lạm phát. Quan trọng hơn, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cũng tạo điều kiện cho Chính phủ tập trung vào các nội dung cải cách căn bản hơn về môi trường đầu tư-kinh doanh nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã được củng cố đáng kể. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động có phần khá tích cực. Tính chung năm 2022, cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2023, cả nước có 149,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng trong tháng 8 năm 2023 thì số doanh nghiệp đã tăng tới 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư nước ngoài cũng diễn biến khá tích cực: vốn thực hiện của FDI tăng 13,5% trong năm 2022, và tăng 1,3% trong 8 tháng đầu năm 2023 (so với cùng kỳ năm trước). Tham vấn của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho thấy sự quan tâm tích cực, mong muốn gắn bó “hữu cơ” hơn với đất nước Việt Nam, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Cộng đồng nhà đầu tư càng “vững tâm” hơn với các chủ trương, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh xuyên suốt giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay.

Thứ tư, các tầng lớp nhân dân cũng được hưởng thành quả của quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Năm 2022 là năm đánh dấu sự khôi phục về kinh tế và tình hình đời sống dân cư. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Việc làm được bảo đảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối thấp: tính chung năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%.

Những kết quả tích cực trên đây xuất phát từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, công tác quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội nói chung và Nghị quyết 43/2022/QH15 nói riêng được triển khai đồng bộ. Thứ hai, khung khổ chính sách hướng tới thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có các giải pháp tài khóa và tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, đã được hoàn thiện và đi vào thực hiện, có theo dõi, đánh giá thường xuyên. Thứ ba, các chính sách triển khai hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế có sự tham vấn chặt chẽ và đồng thuận cao của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thứ tư, công tác điều hành tiếp tục duy trì sự bài bản, gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng, lưu tâm và cải thiện hiệu quả của công tác dự báo. Đồng thời, việc phân công chủ trì thực hiện nhiệm vụ (cho các lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương) đã được thực hiện hiệu quả hơn, qua đó bảo đảm hiệu quả. Thứ năm, Việt Nam tiếp tục tư duy tích cực về cải cách môi trường kinh doanh và tạo không gian cho các mô hình kinh tế mới. Cần lưu ý, đây cũng chính là một trụ cột quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy vậy, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và/hoặc gây thêm chi phí (thời gian, tài chính) không cần thiết cho doanh nghiệp. Những cách hiểu còn tương đối thận trọng với Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã dẫn đến việc triển khai rất chậm gói hỗ trợ lãi suất này. Thứ hai, hạn chế trong chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương để phục vụ xây dựng Chính phủ số và sâu xa hơn là công tác phối hợp, điều hành chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Thứ ba, chưa tạo được cách tiếp cận và động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ tư, Việt Nam chưa có một Chương trình rà soát tổng thể các chính sách, quy định ảnh hưởng đến việc hiện thực hóa lợi ích từ các mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn,…).

  1. Kiến nghị

Trên cơ sở các phân tích và đánh giá trên đây, bài viết kiến nghị một số nội dung như sau:

Thứ nhất, quyết liệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và Nghị quyết số 43/2022/QH15 để tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế tích cực hơn trong các tháng cuối năm 2023 và tạo nền tảng cho điều hành phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024. Trong đó, cần quán triệt chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với các cấp chính quyền, các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực hiện đầy đủ, toàn diện và kịp thời các giải pháp đề ra. Trong quá trình này, vai trò của Quốc hội trong việc giám sát và tạo cơ chế thực hiện phù hợp cho các giải pháp của Chính phủ sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thứ hai, tổ chức đánh giá đầy đủ, khoa học, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học về quá trình tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 43/2022/QH15, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay. Trên cơ sở đó, nghiên cứu khả năng xây dựng một Chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn 2024-2025.

Thứ ba, chú trọng hơn nội dung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và môi trường đầu tư-kinh doanh. Từ thực tiễn triển khai trong giai đoạn 2022-2023, việc thực hiện quyết liệt và chất lượng các nội dung cải cách này sẽ giúp giảm đáng kể áp lực đối với kinh tế vĩ mô và lạm phát trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi tăng trưởng thông qua các giải pháp tài khóa-tiền tệ. Điểm quan trọng là các cải cách ấy cũng cần diễn ra ở chính các lĩnh vực liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có năng lượng, thị trường vốn, tạo thuận lợi thương mại,…

Thứ tư, cần chú trọng hơn nữa đến bảo đảm quyền tham gia và hưởng lợi của các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Điểm quan trọng là cần minh chứng, chia sẻ các điển hình tốt về thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ gắn với thúc đẩy phát triển các nhóm ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các nhóm lao động yếu thế. Chính ở đây, phát huy đầy đủ, thực chất và hiệu quả vai trò của các đại biểu Quốc hội, là người đại diện, nói được tiếng nói của nhân dân càng trở nên có ý nghĩa./.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo số 9649/BC-BKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2022 về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp kinh tế-xã hội năm 2023. Tài liệu phục vụ Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 03 tháng 01 năm 2023.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Tờ trình số 7314/TTr-BKHĐT ngày 06 tháng 9 năm 2023 về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công năm 2024, đánh giá giữa kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tài liệu phục vụ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023.
  3. Tổng cục Thống kê (2023), Thông cáo báo chí Kết quả Khảo sát mức sống dân cư 2022.
  4. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2021), Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Dân Trí.
  5. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2023), Kinh tế Việt Nam: Tình hình 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2023. Báo cáo cho Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô và Tăng trưởng xanh.

 

 

[1] Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.

[2] Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2022 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,56%; 8,02%.