A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian phát triển nhanh, bền vững

Đầu tư cho tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững đang trở thành một xu hướng khách quan trên thế giới và trở thành là một ưu tiên trong những lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

 

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn

TS. Hà Huy Ngọc

Viện Kinh tế Việt Nam

Tóm tắt

Sau gần 40 năm Đổi mới, từ xuất phát điểm là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Từ 2002 đến 2022, GDP đầu người tăng 2,78 lần, đạt trên 4.110 USD năm 2022, với hơn 45 triệu người thoát nghèo, tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá)[1]. Do đó, để đạt được các mục tiêu về phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh bình thường mới của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, việc huy động các nguồn lực cho xây dựng mô hình tăng trưởng xanh để sự thịnh vượng về kinh tế cần hài hòa với bảo vệ môi trường, năng lực chống chịu hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH) và các cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời, những xu hướng và các cam kết quốc tế về FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia ngày càng ở mức độ cao hơn, buộc các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam phải nâng cao năng lực đáp ứng với yêu cầu mới trên thế giới, cũng như tận dụng được các cơ hội kinh doanh bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19. Đây là cơ hội lớn để Chính phủ lựa chọn giữa lộ trình cũ hay lộ trình tăng trưởng xanh (TTX) để giúp đối mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do BĐKH và bền vững về môi trường. Trung bình, Việt Nam gánh chịu thiệt hại trực tiếp về tài sản công và tư khoảng 2,4 tỷ USD hàng năm, tương đương 0,8% GDP do các hiện tượng khí hậu cực đoan.[2] Nếu chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

Các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu suy nghĩ lại về các lựa chọn để đạt được sự thịnh vượng kinh tế một cách bền vững và thúc đẩy phát triển xã hội bao trùm. Nhiều quốc gia cũng đã cam kết thực hiện các nội dung của Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Đại dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình tăng trưởng kinh tế và tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đầu tư cho xanh hoá và thân thiện với môi trường. Phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng theo hướng xanh hóa đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới. [3]Như vậy, có thể nói, đầu tư cho tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững đang trở thành một xu hướng khách quan trên thế giới và trở thành là một ưu tiên trong những lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

 

I. Xu hướng đầu tư nguồn lực cho tăng trưởng xanh, phục hồi xanh sau sau đại dịch COVID-19 

Tiến trình phát triển nền kinh tế xanh đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và ở mức độ cao hơn, một phần được thúc đẩy bởi tác động của đại dịch COVID-19. Cho đến nay, diễn biến của COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát. Chính phủ toàn thế giới đưa ra lựa chọn cách tiếp cận phù hợp cho phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Trong đó, theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế (hay phục hồi xanh) - hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) - đang là lựa chọn hàng đầu được Liên hợp quốc khuyến khích và các vùng lãnh thổ, quốc gia phát triển tiên phong thúc đẩy. Tiếp nối các Chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI (LTS), Thỏa thuận kinh tế xanh (Green Deal), Thỏa thuận kinh tế xanh mới (Green New Deal) được công bố với kỳ vọng đẩy mạnh quá trình phục hồi và tăng trưởng xanh thêm một bước mới.

Điển hình là Liên minh châu Âu (EU): ngày 21/7/2020, Liên minh châu Âu thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lịch sử trị giá 750 tỷ euro (858 tỷ USD). Gói hỗ trợ sẽ đi kèm với khoản ngân sách của EU trị giá 1.074 tỷ euro cho giai đoạn 2021 – 2027. Các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết sẽ dành khoảng 30% tổng số ngân sách trên (khoảng 550 tỷ euro) tập trung cho các mục tiêu về môi trường trong 7 năm sắp tới. Trong khi đó, phần ngân sách còn lại của gói hỗ trợ sẽ được chi tiêu theo hướng phải bảm đảm không được ảnh hưởng tới mục tiêu có khí thải nhà kính ròng bằng không trong năm 2050 của gói tăng trưởng xanh. Dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ là tổ chức đại diện vay vốn từ thị trường tài chính bằng cách phát hành trái phiếu dài hạn để tận dụng lợi thế về xếp hạng tín nhiệm cao của khối. Theo đó, gói phục hồi xanh sẽ tập trung vào 2 nội ding sau: (i) triển khai Thỏa thuận Xanh châu Âu cho giai đoạn 2020-2024 với gói đổi mới chính sách toàn diện “Fit for 55” [4] để chuyển đổi toàn bộ khối thành một xã hội công bằng, thịnh vượng, nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050; (ii) dùng 37% Quỹ Phục hồi và Chống chịu (Recovery and Resilience Facility)[5] - tương đương với khoảng 672,5 tỷ Euro cho các dự án xanh. [6]

Mỹ, từ năm 2018 các chính trị gia Mỹ đã liên tục đề xuất các gói tăng trưởng xanh khác nhau. Một trong những đề xuất đáng chú ý là Gói tăng trưởng xanh do Thượng Nghị sỹ Edward Markey và đại biểu Quốc hội Alexandria Ocasio-Cortez của Đảng Dân chủ đưa ra ngày 7/2/2019 với tên gọi Gói tăng trưởng xanh mới (Green New Deal). Hầu hết các gói tăng trưởng xanh được đề xuất, bao gồm Gói tăng trưởng xanh của Edward Markey và Alexandria Ocasio-Cortez, đều đưa ra hai mục tiêu trọng tâm, thực hiện song song là cắt giảm khí thải các-bon và giảm bất bình đẳng kinh tế Mỹ. Cụ thể Gói tăng trưởng xanh của Markey và Ocasio-Cortez có mục tiêu đưa Mỹ tới năm 2030 không còn khí thải nhà kính, trở thành nước sử dụng 100% năng lượng tái tạo đồng thời đảm bảo việc làm với mức lương đủ sống và an ninh kinh tế cho các đối tượng dễ bị tổn thương; đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, dịch vụ nhà ở an toàn, tiện nghi, và nước, không khí, và thực phẩm sạch với chi phí hợp lý.[7]

CònHàn Quốc đã triển khai Thỏa thuận kinh tế xanh mới: Tháng 04/2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đưa ra gói tăng trưởng xanh với các mục tiêu: đưa nền kinh tế Hàn Quốc tới năm 2050, không còn khí thải nhà kính, tới năm 2040, giảm 40% bụi mịn tại Hàn Quốc; phát triển các ngành công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo việc làm, không chỉ là việc làm cho các lao động trình độ thấp mà cả việc làm trình độ cao trong các ngành công nghiệp xanh và công nghệ cao. Hàn Quốc sẽ đầu 135 tỷ USD vào lĩnh vực số và tăng trưởng xanh, trong đó 96,3 tỷ USD đến từ ngân sách Nhà nước, 21,2 tỷ USD đến từ ngân sách địa phương và 17,3 tỷ USD đến từ khu vực tư nhân.[8] Như vậy, các gói phục hồi xanh của Hàn Quốc có sự gắn kết giữa số hoá và xanh hoá.

Trong năm 2021, nhiều nước đã cập nhật Chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn theo mục tiêu PTR0[9] với các giải pháp quyết liệt hơn, như cơ cấu lại - chuyển dịch toàn diện nền kinh tế theo hướng xanh, cải cách hệ thống thể chế, chính sách, tiêu chuẩn, huy động các nguồn lực tài chính đầu tư thông minh vào những dự án không hối tiếc[10] trong sản xuất, tiêu dùng, kết cấu hạ tầng, công nghệ mới[11], khuyến khích chính quyền địa phương tham gia vào chương trình phục hồi xanh thông qua đầu tư cho giao thông công cộng, cải tạo công trình xây dựng tại các đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng.

II. Sự lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam

Sau hơn hai thập kỹ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt ra mục tiêu tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, để đạt được vị thế đó (với ngưỡng thu nhập bình quân đầu người là USD 12.695), Việt Nam cần có tốc độ tăng trưởng bình quân vượt trội hơn so với bình quân giai đoạn 1990-2020. Để so sánh, Hàn Quốc, với mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 1951 tương đương  với Việt Nam vào năm 1990, đã phải mất 42 năm sau đó để trở thành quốc gia thu nhập cao.

2.1. Nền kinh tế thâm dụng tài nguyên

Đồng thời để vào nhóm quốc gia có thu nhập cao, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 (Chiến lược) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tích luỹ thêm vốn sản xuất, vốn vật chất (hạ tầng) và vốn người, đồng thời phải sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn, nhằm tạo ra mức tăng năng suất cần thiết để có thể đạt được thành tựu về kinh tế như Hàn Quốc.[12]Chiến lược cũng thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế cho đến nay đã tiêu tốn vốn tự nhiên của Việt Nam với tốc độ không bền vững, dẫn đến tài nguyên thiên nhiên       đang dần cạn kiệt.  Chiến lược cũng cho thấy chuyển đổi kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý tốt hơn nguồn vốn tài nguyên. Như hầu hết các quốc gia thu nhập thấp, Việt Nam dựa nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng kinh tế, sử dụng một trữ lượng lớn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản để thúc đẩy sự phát triển trong suốt hai thập kỷ qua. Trong giai đoạn 1990–2014, vốn tài nguyên ước tính chiếm khoảng một phần ba tổng tài sản của Việt Nam, so với 10% ở khu vực Đông Á và 17% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao. Sự phụ thuộc này lý giải phần lớn sự suy thoái nhanh chóng tỷ lệ tiết kiệm ròng của Việt Nam từ mức cao nhất là 25% vào những năm đầu của thế kỷ 21 xuống khoảng 10% vào năm 2019. Tình trạng suy thoái vốn tài nguyên hiện có đã trở nên ngày càng trầm trọng hơn do không được bảo trì đầy đủ và rủi ro khí hậu gia tăng. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần chuyển  từ phương pháp tiếp cận mở rộng kinh tế được cho là lãng phí (do các nhà sản xuất thường sử dụng nhiều tài nguyên đất, nước, gỗ, năng lượng và các nguồn lực khác cho mỗi đơn vị sản phẩm hơn so với các quốc gia khác) sang một mô hình phát triển có thể quản lý vốn tài nguyên một cách bền vững hơn.[13]

2.2. Lượng phát thải gia tăng đang gây ra nhiều thiệt hại

Tăng trưởng kinh tế, đô thị hoá và công nghiệp hoá nhanh chóng của đất nước trong 40 Đổi mới dựa trên tổng cung năng lượng dựa vào than và sản sinh lượng phát thải khí nhà kính đáng kể. Mức độ phát thải đã tăng lên đáng kể trong một thập kỷ vừa qua, và Việt Nam đã khóa ngành điện vào với các công nghệ phát thải cao trong thập kỷ tới. Năm 2020, năng lượng chiếm khoảng 65% lượng phát thải GHG của cả nước.[14] Nông nghiệp là ngành phát thải lớn thứ hai, chiếm khoảng 19%, tiếp đến     là giao thông, công nghiệp và chất thải. Hơn một phần ba lượng phát thải GHG của Việt Nam là các loại khí không phải CO2 - đáng chú ý nhất là khí mêtan, và ngoài ra còn có khí nitơ dioxide (loại khí thải có  tác động mạnh trong ngắn hạn tới tình trạng nóng lên toàn cầu, đồng thời gây ô nhiễm không khí) - mặc dù lượng phát thải CO2 từ sử dụng năng lượng đang tăng nhanh hơn nhiều. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải GHG cao nhất khu vực Đông Nam Á (được đo bằng lượng phát thải trên một đơn vị sản lượng), tương đương Indonesia, nhưng cao hơn nhiều so với Trung Quốc hay Philippine. Về quy mô, lượng phát thải GHG của Việt Nam ở mức tương đơng 364 triệu tấn C0 (Triệu tấn CO e) vào năm 2018 - chiếm chưa đến 0,8% tổng lượng phát thải toàn cầu, ngang bằng với Malaysia, Thái Lan, Pháp và Anh. Lượng phát thải GHG bình quan đầu người năm 2018 là 3,81 tấn CO2, tăng so với 0,79 tấn năm 2020, nhưng vẫn tương đối thấp theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.

Bảng 1: So sánh lượng phát thải giữa một số quốc gia

Nước

Phát thải trên đầu người (tCO2e trên đầu người)

Phát thải các bon (tCO2e/triệu $GDP)

Tổng phát thải (MtCO2e)

% phát thải  toàn cầu

Hoa Kỳ

17,7

281,5

5.794,3

12,0%

Mông Cổ

17,5

4.250,9

55,7

0,1%

Malaysia

12,3

1.08,9

388,1

0,8%

OECD

10,8

266,6

14.081,8

29,8%

Đức

9,4

195,9

776,61

1,6%

Trung Quốc

8,4

842,5

11.705,1

23,9%

Papua New Guinea

7,5

2.658,3

64,1

0,1%

Vương quốc Anh

6,6

154,2

441,1

0,9%

Indonesia

6,4

1.634,8

1.703,9

3,6%

Thái Lan

6,2

851,4

431,2

0,9%

Lào

5,5

2.151,6

38,6

0,1%

Pháp

5,4

129,6

361,4

0,7%

Đông Timor

5,3

4.271,0

6,7

0,0%

Thổ Nhĩ Kỳ

5

603,9

422,0

1,0%

Myanmar

4,3

3.040,9

231,6

0,5%

Campuchia

4,3

2.814,1

69,2

0,1%

Việt Nam

3,8

1.486,2

364,4

0,8%

Philipin

2,2

677,0

234,8

0,5%

Nguồn: ngân hàng thế giới, 2022

Sự gia tăng lượng phát thải GHG nhanh chóng trong hai thập kỷ qua có tương quan đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, cũng như tổn thất đáng kể về sức khỏe và năng suất. Theo dữ liệu thu được từ quan sát vệ tinh và được tính trung bình cho cả nước, nồng độ bụi trung bình năm luôn cao hơn từ 4-5 lần so với ngưỡng an toàn 10 microgam hạt PM2.5 trên một mét khối thể tích không khí (μg/m3) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các ước lượng cấp quốc gia này không thể hiện được sự thay đổi nồng độ theo mùa và theo vùng với nồng độ ở mức rất cao ở các đô thị lớn như Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.) Sử dụng một phương pháp chuẩn được chấp nhận rộng rãi, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2016, hơn 60.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí. Liên minh Toàn cầu về Sức khoẻ và Ô nhiễm ước tính con số đó là trên 50,000 trong năm 2019. Dựa trên chi phí tiền tệ liên quan đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và giảm năng suất lao động, CEA ước tính chi phí kinh tế phát sinh do ô nhiễm không khí năm 2020 ước tương đương 1% GDP.[15]

2.3. Tổn thất và thiệt hại kinh tế nặng nề do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, xếp hạng 127 trong số 182 quốc gia theo Sáng kiến Thích ứng Biến đổi Khí hậu Toàn cầu Notre Dame (ND- GAIN) và đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2021. Việt Nam cũng chưa chuẩn bị kỹ để đối phó với các hiện tượng cực đoan, nhiệt độ nóng hơn và mực nước biển dâng (xếp thứ 91 trong số 192 quốc gia theo Chỉ số Sẵn sàng ND-GAIN). Giả định nền nhiệt độ trung bình của Việt Nam tăng với tỷ lệ tương tự toàn cầu, tới giai đoạn 2080- 2090, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm từ 1–3,4°C so với mức cơ sở ở giai đoạn 1986–2005, với biên độ lớn hơn giữa nhiệt độ cực đại và cực tiểu. Việc gia tăng nắng nóng cực đoan có khả năng cao sẽ khuếch đại các tác động đối với sức khỏe con người, sinh kế và hệ sinh thái. Kết quả mô hình cho thấy tính bất định lớn xoay quanh hai vấn đề quan trọng đối với Việt Nam: xu hướng lượng mưa tương lai và xu hướng về cường độ của các hiện tượng cực đoan. Các vùng thấp ven biển và đồng bằng lưu vực sông của Việt Nam có nguy cơ bị tổn thương rất cao đối với nước biển dâng.[16]Nếu không có các biện pháp thích ứng hiệu quả thì từ 6 triệu đến 12 triệu người có thể chịu tác động tiêu cực từ lũ lụt ven biển trong giai đoạn 2070–2100, phụ thuộc vào lộ trình phát thải toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm những rủi ro vốn đã rất lớn do lũ lụt gây ra; đến giai đoạn 2035–2044, mỗi năm sẽ có thêm khoảng vài triệu người bị ảnh hưởng từ những trận lũ lụt nghiệm trọng. Biến đổi khí hậu đang ngày càng làm gián đoạn nền kinh tế Việt Nam và những khoản chi phí đang bắt đầu làm giảm tốc độ tăng trưởng. Những tính toán ban đầu trong Phân tích Quốc gia về Môi trường (CEA).[17]Theo tính toán nhóm nghiên cứu Ngân hàng thế giới cho thấy giai đoạn 2021-2022 Việt Nam đã thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí. Quy mô của những thiệt hại này, được dự đoán sẽ tăng nhanh, nhấn mạnh sự cấp thiết ngày càng gia tăng đối với việc Việt Nam cần phải thích ứng với các rủi ro từ biến đổi khí hậu. Trong khi tình trạng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của Việt Nam bắt nguồn từ trữ lượng tích tụ của GHG trong khí quyển và phản ứng chậm chạp của các tác nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm trước việc giảm thiểu phát thải GHG, tình hình trở nên trầm trọng hơn do công tác quy hoạch yếu kém và quản lý không bền vững các nguồn tài nguyên. Trường hợp điển hình là đồng bằng sông Cửu long nơi có hoạt động khai thác cát liên tục làm trầm trọng thêm tác động của mực nước biển dâng đối với tình trạng xói mòn bờ biển và bờ sông.[18]

Trên bình diện cả nước thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, dị thường, trái quy luật, ngày càng gia tăng ở cả mức độ, cường độ. Đặc biệt, là những trận mưa lớn lại diễn ra vào cuối mùa khi các hồ chứa đã tích đầy nước, bão và áp thấp nhiệt đới ở cấp độ mạnh di chuyển vào khu vực mà trước đó ít khi xảy ra. BĐKH gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đồng thời tăng nhanh qua từng giai đoạn, từng năm. Ước tính trong giai đoạn 2001-2010, BĐKH đã làm thiệt hại khoảng 79.853 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2022 khoảng 245.339 tỷ đồng (gần 11 tỷ USD, theo tỷ giá năm 2022). Tổng thiệt hại do thiên tai và BĐKH gây ra trong giai đoạn 2011-2022 đã tăng 3,07 lần so với giai đoạn 2001-2010.[19] Tính trung bình mỗi năm các sự kiện khí hậu cực đoan gây thiệt hại khoảng 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD/năm). Đối với vùng ĐBSCL, thiệt hại do thiên tai và BĐKH ngày càng gia tăng ở mức nghiêm trọng, thiệt hại nặng nhất là năm 2019-2020 với gần 8.000 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2010-2021, tổng thiệt hại do thiên tai và BĐKH ở vùng ĐBSCL là khoảng 31.945 tỷ đồng.[20]

III. Tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam

3.1. Cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh

Đến nay Chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 chiến lưọc quốc gia về tăng trưởng xanh cho 2 thời kỳ phát triển khác nhau.Theo đó, đối với giai đoạn 2011-2021, các cơ chế để hỗ trợ thực hiện Chiến lược TTX bao gồm: (1) Chính sách, chủ trương của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội; (2) các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, thông tư, chỉ thị.

Để tạo lập nền tảng cho quá trình xanh hoá nền kinh tế, ngày 25/9/2012 Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược có 3 nhiệm vụ quan trọng là: giảm KNK, xanh hoá sản xuất, và xanh hoá tiêu dùng. Nhằm từng bước cụ thể hoá Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó đề ra 4 chủ đề chính gồm: (1) xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; (2) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (3) thực hiện xanh hóa sản xuất; (4) thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Với 66 hoạt động được phân công cho các bộ ngành và địa phương. Trên cơ sở quyết đinh số 403/QĐ-TTg, đã có 8 Bộ và cơ quan ngang bộ ban hành Kế hoạch hành động chiến lược TTX của ngành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động Thương binh và xã hội.

Bên cạnh đó, các hoạt động hoàn thiện khung thể chế nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh đang là hoạt động ưu tiên đầu tiên trong Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Chiến lược TTX với nội dung hoạt động được triển khai đầu tiênrà soát các quy định pháp lý, các chiến lược quốc gia nhằm phát hiện những điểm chưa phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và đề xuất lộ trình hoàn thiện khung thể chế.

Mặt khác, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, thuộc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã tái khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trên cơ sở triển khai Chiến lược quốc gia về TTX và Kế hoạch hành động quốc gia TTX, các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. Trọng tâm của các Kế hoạch hành động là cụ thể hóa các mục tiêu, các chỉ tiêu và giải pháp trong Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX, tính đến hết năm 2020 đã có 37 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và thực hiện KHHĐ TTX cấp tỉnh, thành phố.

Bước sang giai đoạn 2021-2030, ngoài định hướng tổng thể và định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực trong Chiến lược tăng trưởng xanh, các chiến lược và chính sách phát triển vĩ mô là nền tảng cung cấp định hướng cho việc xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, gồm có Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030... Theo đó, các mục tiêu vĩ mô về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững; định hướng các nhóm giải pháp lớn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải KNK, các- bon thấp; và xác định động lực phát triển mới là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề ra tại các văn bản định hướng nêu trên, tạo tiền đề pháp lý cho việc xây dựng các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương trong giai đoạn 2021-2030. Cụ thể:

Chiến lược phát triển bền vững và Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đề ra các định hướng và giải pháp phát triển bền vững, toàn diện, bao trùm cho tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó đề cập đến các giải pháp “xanh” và yêu cầu về ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai. Các nội dung trên là các định hướng quan trọng để xây dựng bộ chỉ số tăng trưởng xanh nhằm tích hợp, cụ thể hóa các nhiệm vụ, hành động “xanh” của các ngành và lĩnh vực ưu tiên có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và giảm nhẹ phát thải KNK, hướng tới mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường. Thông qua triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, các chủ trương lớn của Đảng tại văn kiện Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được hiện thực hóa. Cùng với đó, các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững và BĐKH và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng được thực hiện, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Để triển khai các chiến lược và chính sách phát triển vĩ mô ở trên, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, quy hoạch, đề án, kế hoạch hành động các cấp, các ngành. Việc xây dựng bộ chỉ số tăng trưởng xanh đảm bảo rà soát, xem xét tích hợp những định hướng, nội dung quan trọng có liên quan, không mâu thuẫn, chồng lắp, mà cùng cộng hưởng với những văn bản mới ban hành cho giai đoạn mới để hướng tới các mục tiêu phát triển chung. Cụ thể, bộ chỉ số tăng trưởng xanh xem xét tích hợp các nội dung phù hợp từ Kế hoạch hành động quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi lồng ghép các nội dung chống chịu với BĐKH trong các hành động tăng trưởng xanh; cập nhật các hành động về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, về giảm nhẹ, hấp thụ và kiểm kê KNK từ Quy định giảm nhẹ KNK và bảo vệ tầng ô-dôn; xem xét giải pháp của các quy hoạch đã ban hành để phát triển sâu sắc thêm các khía cạnh “xanh” trong các hành động về quản lý tài nguyên và phát triển cơ sở hạ tầng...

Đối với các văn bản chính sách mới, đặc biệt là các kế hoạch, chương trình, đề án, quy hoạch ngành của các cấp và các ngành dự kiến xây dựng và ban hành trong thời gian tới, mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh sẽ là cơ sở để thực hiện tích hợp nhằm tạo tính đồng bộ, bổ trợ giữa các văn bản chính sách theo hướng xanh, góp phần xanh hóa các ngành và không gian, lãnh thổ trong giai đoạn 2021-2030. Các nội dung tích hợp gồm các xây dựng bộ chỉ số về chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp và nguồn lực đảm bảo tuân theo các nguyên tắc đồng hướng, không mâu thuẫn, có căn cứ khoa học, hợp lý, khả thi và phù hợp điều kiện thực hiện của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Ngày 1 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (sau đây gọi tắt là “Chiến lược tăng trưởng xanh”. Chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 04 mục tiêu chính: (1) Giảm cường độ phát thải KNK trên GD; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (4) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Định hướng mạnh mẽ cho mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính (KNK), Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế, song song với việc đề ra những định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tập trung xác định các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng.

Đặc biệt để cụ thể hoá Chiến lược tăng trưởng xanh, Thủ tưởng chính phủ đã ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ: Xây dựng, hướng dẫn, triển khai hệ thống chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh; bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đề xuất lộ trình doanh nghiệp công bố thông tin tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Xây dựng, tích hợp “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp” vào các văn bản định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Thông qua rà soát hệ thống chính sách hiện có thì các hành động cụ thể để hoàn thiện đồng bộ khung cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong đó tập trung vào các chính sách mới ở các cấp, các ngành như chính sách phát triển các công cụ kinh tế, tài chính và đầu tư xanh, mua sắm công xanh, cơ chế trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường... cũng như khung thử nghiệm một số chính sách đặc thù về tăng trưởng xanh, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới Lộ trình PTR0 đòi hỏi nhiều chính sách đột phá.

3.2. Huy động nguồn vốn cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam

Trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho BĐKH, TTX nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời  với bảo tồn tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH và TTX vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Theo  tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực  hiện Chương trình mục tiêu về BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2021. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng khoảng 26 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực doanh nghiệp.[21] Việc thu hẹp khoảng cách giữa                 nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ   chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân - khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.

a. Nguồn đầu tư công

Ngày 31 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 tại Quyết                 định số 1670/QĐ-TTg có gắn kết các mục BĐKH với nguồn vốn đầu tư phát triển    và nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Nội dung chi từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó BĐKH và TTX và phát triển bền vững  bao gồm: (i) chi đầu phát triển đối với nội dung đầu xây dựng các công trình kết        cấu hạ tầng kinh tế - hội, đầu hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức chi      thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, TTX (chi đầu tư); và (ii) chi thường xuyên bao gồm chi hoạt động của cơ quan, bộ máy hoạt động về BVMT, BĐKH và phát triển bền vững ở trung ương và địa phương và chi thực hiện chương   trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và TTX (chi thường xuyên).

Chi đầu tư cho BĐKH và TTX ở Việt Nam từ năm 2013-2021 của 11 bộ ngành được rà soát có Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông   thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương bốn bộ chi đầu cho hoạt động BĐKH nhiều   hơn cả. Trung bình mỗi năm Bộ Nông nghiệp Phát triển  nông thôn chi bình quân lần lượt là 4040,3 tỷ đồng, Bộ Tài nguyên Môi trường 3337,8 tỷ đồng mỗi năm, Bộ Giao thông vận tải khoảng 2889 tỷ và Bộ Công thương khoảng 1336 tỷ cho các                hoạt động giảm nhẹ. Với xu thế tỷ trọng chi đầu tư công cho thích ứng trong tổng chi đầu tư công   cho BĐKH giảm, tỷ trọng chi đầu tư công cho thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong tổng chi đầu tư công cho BĐKH, TTX có xu hướng tăng, mặc dù vẫn còn thấp. Điều này thể hiện ưu tiên cao của Chính phủ cho các dự án trồng, khôi phục và phát triển rừng, đặc biệt là rừng ven biển và rừng đầu nguồn vì  phần lớn các dự án trồng, khôi phục và phát triển rừng được phân loại là dự án vừa   có mục đích thích ứng với BĐKH và TTX, vừa nhằm giảm phát thải khí nhà kính.[22]

Chi thường xuyên cho BĐKH và TTX thể hiện rõ trong mục chi NSNN cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT). Trong giai đoạn 2011 - 2021, chi BVMT đã tăng dần qua các năm và tăng ở cả cấp trung ương và cấp địa phương. Trong đó, nhiệm vụ chi ngân sách cho BVMT tập trung nhiều ở cấp địa phương nên chi NSNN cho BVMT cấp địa phương chiếm tỷ trọng cao (trung bình giai đoạn 2011- 2021 chiếm 85,5% tổng chi NSNN cho sự nghiệp môi trường. Tốc độ chi NSNN   cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2011 – 2021 đạt 10,2%, cao hơn so với tốc độ  tăng chi chung của NSNN cùng giai đoạn (đạt 7,2%). Từ năm 2013 đến năm 2021  tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường đạt gần 129,8 ngàn tỷ đồng trong đó   khoảng 11,5% nguồn ngân sách chi sự nghiệp môi trường trung ương; hơn 88,5%  từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp môi trường địa phương. Tính chung lại, chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2021 luôn đảm bảo đạt tỷ lệ khoảng 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần    hàng năm.[23]

Về các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong giai đoạn 2010-2015 có tổng số 16 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), trong đó có   8 dự  án trực tiếp thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến  lược tăng trưởng xanh. Các chương trình còn lại có đóng góp gián tiếp, cụ thể là các Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: (1) Giảm nghèo bền vững; (2) Nước  sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; (3) Y tế; (4) Vệ sinh an toàn thực phẩm; (5)                   Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (6) Ứng phó với BĐKH ; (7) Xây dựng  nông thôn mới; (8) Khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường. Đến giai đoạn 2016-2021, số Chương trình mục tiêu quốc gia giảm từ 16 của giai đoạn 2011-2015 xuống chỉ còn 02 chương trìnhlà: (i) Giảm nghèo bền vững và (ii) Xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân là do mục tiêu của 16 chương trình quá   rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm, tổ chức thực hiện có những hạn chế, dẫn đến  hiệu quả thực hiện nhiều chương trình chưa cao. Hai Chương trình mục tiêu quốc gia mới góp phần giải quyết những vấn đề có tầm quốc gia và cũng là những nhiệm  vụ hết sức cấp thiết hiện nay bao gồm nhiều dự án đường bộ và cấp nước ở địa phương có liên quan đến thích ứng với BĐKH, TTX. Tuy nhiên, đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn trước thì không loại bỏ hoàn toàn, mà rà soát,             sắp xếp bố trí hợp lý ở 37 dự án thành phần vào trong 21 chương trình mục tiêu với quy mô hợp lý hơn nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tổng số vốn đã phê duyệt cho 21 chương trình mục tiêu là khoảng 1,14 triệu tỷ đồng, (tương đương 51  tỷ USD) cho giai đoạn 2016 - 2021 trên phạm vi cả nước. Trong tổng số 21 Chương trình mục tiêu có nhiều chương trình liên quan trực tiếp và gián tiếp tới BĐKH và tăng trưởng xanh, đặc biệt có chương trình mục    tiêu riêng cho “Ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh” với tổng vốn thực hiện Chương trình là 15.866 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung  ương: 470 tỷ đồng, vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương: 396 tỷ đồng và vốn ODA: 15.000 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm thực hiện đồng thời Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế.[24] Tính chung lại, NSNN dành cho BĐKH và TTX ở Việt Nam giai đoạn 2015-2021  khoảng 166,2 ngàn tỷ đồng mỗi năm, tương đương với 10,9 % tổng chi NSNN và 3 % GDP năm 2018. Trong đó, chi cho các hoạt động chống chịu khoảng 55 ngàn tỷ đồng và chi cho thích ứng là 111,2 ngàn tỷ đồng. Theo (UNDP, 2020), mức chi cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan (0,53% GDP), Cam-pu-chia (1,64% GDP), Vanuatu (2,74% GDP).[25]

b. Nguồn vốn viện trợ phát triển nước ngoài

Về các hoạt động thu hút nguồn lực cho BĐKH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các bộ ngành, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ đánh giá việc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (ODA) cho BĐKH và tăng trưởng xanh. Từ đó, xác định nhu cầu về nguồn lực và những ưu tiên trong thời gian tới về việc sử dụng nguồn vốn ODA cho BĐKH và tăng trưởng xanh. Rà soát năm 2021 về dòng tài chính phát triển quốc tế vào Việt Nam cho thấy dòng vốn ODA vào Việt Nam có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Ngoại trừ năm 2016, tổng dòng tài chính vào Việt Nam giảm hàng năm. Giai            đoạn 2012-2021, nguồn tài chính phát triển quốc tế cho BĐKH và TTX vào Việt Nam khoảng 2,26 tỷ USD mỗi năm, trong đó có khoảng 39% là dành cho các hoạt động  chống chịu, 49% cho các hoạt động giảm nhẹ, 12% cho các hoạt động đồng lợi ích.

Theo đó, Thỏa thuận Paris và Thỏa thuận Glasgow gần đây đã tạo ra cú hích tập thể lớn về tài chính khí hậu để hỗ trợ các gói phục hồi xanh và nhu cầu đầu tư để thực hiện NDC, nhưng quy mô và mức độ sẵn có của các nguồn vốn này vẫn chưa chắc chắn, cả trên toàn cầu và đặc biệt đối với Việt Nam. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam đã giảm mạnh từ 4,2 tỷ USD năm 2014 xuống chỉ còn khoảng 1,0 tỷ USD năm 2019 kể từ khi Việt Nam tốt nghiệp các nguồn vốn ưu đãi cao của Ngân hàng Thế giới (IDA) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADF) trong năm 2017 và 2018. Trong các dự báo kinh tế vĩ mô và tài khóa, Chính phủ không kỳ vọng ODA sẽ tăng đáng kể, trung bình chỉ khoảng 4 tỷ USD trong giai đoạn 2021–2025. Con số kế hoạch đó nhiều hơn đáng kể so với số vốn thực tế được cam kết trong những năm gần đây.[26]

c. Huy động nguồn vốn dựa vào công cụ của thị trường

Hệ thống pháp luật về tín dụng xanh (TDX), trái phiếu xanh (TPX) ở Việt Nam đã được chú trọng hơn sau khi Chiến lược Quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua hệ thống văn bản chính sách, pháp luật dưới luật về hai thị trường này dần được hoàn thiện. Về TDX, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 2 văn bản gồm: (1) Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng TDX và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; (2) Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc BVMT, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hoá hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường; (3) ngày 08/8/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu thúc đẩy phát triển TDX, ngân hàng xanh. Trong năm 2018 và 2019, NHNN đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế.

Về TPX, một số văn bản pháp lý của Việt Nam đã đưa ra các quy định để thực hiện chức năng của Nhà nước trong quản lý, điều tiết thị trường này như: Luật Quản lý nợ công năm 2017; Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương; Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng lý, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán có quy định về TPX tại Điều 21; Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại khoản 4 Điều 5 quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp có quy định về công bố thông tin TPX trước đợt phát hành của doanh nghiệp, quy định về công bố thông tin định kỳ liên quan đến TPX; Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra các quy định riêng về TDX, TPX. Điều 149 Luật BVMT năm 2020 quy định TDX được xác định là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; và tạo ra lợi ích khác về môi trường. Về TPX được qui định tại Điều 150 Luật BVMT năm 2020, theo đó, TPX được xác định là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Nguồn tiền thu được từ phát hành TPX phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường bao gồm: cải tạo, nâng cấp công trình BVMT;...

Thị trường TDX đã được thúc đẩy trong những năm vừa qua thông qua các chính sách và biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho các TCTD thực hiện TDX thông qua đàm phán, ký kết các chương trình, dự án, hỗ trợ kỹ thuật về thích ứng với biến đổi khí hậu như vấn đề môi trường đô thị, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng và an toàn cho sản phẩm nông nghiệp... ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế và tiếp sau đó là bổ sung thêm 5 ngành kinh tế khác. Kết quả từ năm 2015 đến nay, dư nợ TDX tăng trưởng đều qua các năm, từ 71,02 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015 lên hơn 237,9 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2018 (tăng 234,57% trong 03 năm), đến hết quý II/2019 tổng dư nợ đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng (tăng 29% so với năm 2018). Tuy nhiên, quy mô TDX vẫn còn nhỏ so với tổng tín dụng toàn hệ thống (tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh 1,55% dư nợ toàn hệ thống cuối năm 2015; 4,18% cuối quý II/2019). Các khoản vay TDX chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), tiếp đó là lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu như quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững... còn rất hạn chế. Nhiều NHTM đã thực hiện lồng ghép các quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành về rủi ro môi trường trong hoạt động của ngân hàng. Đến nay, có khoảng 50% tổng số ngân hàng báo cáo đã nghiên cứu xây dựng quy định hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1.312.659 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,17% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN). Một số NHTM tại Việt Nam có tỷ trọng TDX cao như: Agribank, BIDV, Sacombank, TPBank, Vietinbank, VPBank, Nam Á Bank, HD Bank.... Phần lớn nguồn tài chính cho TDX của các NHTM, TCTD hiện nay dựa vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế, điển hình như Cơ quan phát triển Pháp, Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu, IFC… [27]

Chart, bar chart  Description automatically generated

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2017-2021

Hình 1. Diễn biến tổng dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2021 – 2022

Calendar  Description automatically generated

Nguồn: NHNN, tháng 5/2022

Hình 2. Cơ cấu dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam trong các năm 2017-2021

Báo cáo CBI (2022) cũng cho thấy dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam cơ bản tập trung cho các lĩnh vực năng lượng và giao thông.

Cùng với TDX, thị trường TPX đang trong giai đoạn triển khai thí điểm và thực hiện các chương trình tuyên truyền, giới thiệu các loại TPX đến các chủ thể trên thị trường. Cuối năm 2015, trên khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án Phát triển thị trường TPX. Năm 2017, Chính phủ ban hành lộ trình phát triển thị trường trái phiếu năm 2017-2020, tầm nhìn năm 2030 quy định cơ chế và chính sách phân phối thị trường TPX nhằm mục đích cho phép tổ chức phát hành huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh. Tháng 8/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án TDX… Gần đây nhất là vào đầu năm 2021, TPX do doanh nghiệp phát hành đầu tiên đã được Công ty Bất động sản BIM Land tuyên bố phát hành 200 triệu USD trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore[28].

Theo báo cáo của CBI (2021)[29] về thị trường tài chính bền vững ASEAN (bao gồm trái phiếu xanh và các khoản vay xanh), Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đạt giá trị là 1,5 tỷ USD vào năm 2021, gần gấp 5 lần so với 0,3 tỷ USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong năm thứ ba liên tiếp. Tính riêng thị trường trái phiếu Việt Nam đã tăng trưởng lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2021 với hơn 80% trái phiếu được phát hành là trái phiếu chính phủ. Tương tự như tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng đến từ các lĩnh vực giao thông và năng lượng là chính. Trong năm 2021, có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bền vững tại thị trường quốc tế là của BIM Land trái phiếu xanh (200 triệu USD) và 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn của Tập đoàn Vingroup. Tháng 7/2022, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã phát hành thành công trái phiếu xanh tại thị trường trong nước với hơn 1.725 tỷ đồng được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo, áp dụng nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh của ICMA[30] và tự nguyện tuân thủ theo tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN. EVNFinance là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phát hành trái phiếu xanh ra thị trường.

d. Nguồn tài chính khí hậu quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối

Mặc dù, Việt Nam có thể huy động tài chính công ở trong nước và dịch chuyển một phần tiết kiệm của khu vực tư nhân trong nước cho chương trình nghị sự khí hậu, nhưng các nguồn lực bên ngoài cũng sẽ vẫn quan trọng cho việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu quốc gia. Nếu không thì việc chỉ nỗ lực huy động từ nguồn tài chính trong nước sẽ tác động bất lợi đối với các nhu cầu xã hội và kinh tế khác, và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tham vọng quốc gia mong muốn đạt vị trí quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Ngoài khả năng chi trả ra, đây cũng là vấn đề trách nhiệm thông thường nhưng có phân biệt vì nếu xét trên bình diện rộng thì Việt Nam là nạn nhân của những thiệt hại gây ra bởi phát thải GHG từ các quốc gia khác. Nguồn tài chính bên ngoài có thể là nguồn công hoặc tư. Nguồn tài chính công có thể là vốn ưu đãi hoặc không ưu đãi đa phương hoặc song phương trong khi nguồn tư nhân có thể là vốn FDI hoặc các nhà đầu tư tổ chức.

Một kênh tài trợ quốc tế khác có thể là thông qua hiện diện của các công ty đa quốc gia và các khoản đầu tư mới tiềm năng từ nước ngoài. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 cả nước có hơn 220.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm các công ty lớn có trách nhiệm môi trường và xã hội về khử các bon trong chuỗi giá trị và bảo vệ các tài sản dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Chính phủ có thể xem xét sử dụng các biện pháp khuyến khích (chẳng hạn như giảm thuế, trợ cấp hoặc tinh giản các thủ tục) để hướng các nguồn tiền này vào các hoạt động giảm nhẹ hoặc thích ứng với khí hậu. Một điều có thể cân nhắc sẽ là thay các ưu đãi thuế hiện tại đối với FDI, tương đương số giảm thu khoảng 1,5% GDP, bằng các khoản tín dụng thuế dành cho các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu hoặc chuyển giao công nghệ xanh do cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thực hiện. Những sáng kiến như vậy đã chứng tỏ tương đối có hiệu quả ở các quốc gia đang nổi và quốc gia công nghiệp.[31] Bên cạnh đó, kiều hối đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, đạt 6,3% GDP vào năm 2020, gấp hơn 10 lần dòng vốn ODA (ròng)[32]. Chính phủ có thể thực hiện chiến dịch quảng bá để khuyến khích sử dụng nguồn này cho các dự án liên quan đến khí hậu, bao gồm cả việc sử dụng các khoản trợ cấp tiềm năng để thúc đẩy nhiều bên tham gia hơn nữa. Việt Nam sẽ cần hỗ trợ tài chính từ bên ngoài để bù đắp thiếu hụt kinh phí và cung cấp các nguồn lực ưu đãi ngay lập tức. Do các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các thế hệ tương lai, nên một phần chi phí vay nên được phân bổ cho tương lai. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ cung cấp các công cụ tài trợ dài hạn này (chẳng hạn như các khoản vay ưu đãi có thời gian ân hạn dài), vì sẽ phải thực hiện trước nhiều khoản đầu tư một cách nhanh chóng trước khi chi phí thậm chí còn trở nên cao hơn (ví dụ, để xây dựng khả năng chống chịu với lũ lụt và các rủi ro khí hậu khẩn cấp khác).

e. Nguồn từ hợp tác công tư

Hợp tác công tư (PPP) ở Việt Nam không hoạt động đầy đủ do thiếu khung pháp lý toàn diện trong lĩnh vực này. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật số 64/2020/QH14) được thông qua  có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 , trừ quy định tại khoản 6 Điều 101 của Luật này. Cho đến hết năm 2021 có khoảng 146 dự án PPP lớn với giá trị ước tính khoảng 2,71 tỷ USD cho các hoạt động BĐKH được thực hiện thông qua mô hình PPP ở Việt Nam. Trong số các dự án đó, các dự án cho chống chịu đạt 2,2 tỷ USD trong khi cho thích ứng là khoảng 533,4 triệu USD. Phần lớn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng   sạch và tái tạo, chiếm 90% tổng vốn đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam. Phần  còn lại của 10% vốn đầu tư theo hình thức PPP (270 triệu USD) dành cho lĩnh vực  quản lý chất thải rắn đô thị, lĩnh vực giao thông và lĩnh vực quản lý thoát nước.[33]

IV. Cam kết phát thải ròng bằng “0” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26

4.1. Cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải KNK và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về “phát thải ròng bằng “0” (PTR0)” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Glasgow tháng 11 năm 2022. Hội nghị COP26[34] với sự tham gia của 197 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa ra các cam kết và lộ trình cắt giảm phát thải KNK mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Theo nhóm hợp tác về Công cụ theo dõi PTR0 (Net Zero Tracker), 136 quốc gia - tương đương tổng lượng phát thải KNK chiếm gần 88% và đóng góp GDP khoảng 90% toàn cầu - đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” (PTR0) vào giữa thế kỷ XXI. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết chấm dứt và đẩy lùi nạn phá rừng. Có 34 quốc gia và một số ngân hàng và cơ quan tài chính cam kết tăng cường hỗ trợ các dự án bền vững hơn và ngừng tài trợ quốc tế cho lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch không có công nghệ giảm nhẹ vào cuối năm 2022, trừ những trường hợp hạn chế và được xác định rõ ràng phù hợp với giới hạn nóng lên 1,5°C và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Hơn 40 quốc gia đã cam kết loại bỏ than đá. Tại COP26, Việt Nam cũng đã cam kết đạt PTR0 vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng. Để hiện thực hóa các cam kết mới nhất này, Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung Chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo hướng tạo tiền đề cho việc xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm đạt được mục tiêu PTR0 năm 2050” (sau đây gọi tắt là “Lộ trình PTR0”).  Tiếp đó, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được thành lập theo Quyết định số 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021.

4.2. Khó khăn, thách thức và cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội

Việc theo đuổi mục tiêu PTR0 phù hợp với xu thế quốc tế chung, sẽ giúp Việt Nam hội nhập quốc tế tốt hơn, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần xác định những khó khăn, thách thức của mục tiêu PTR0 để xây dựng những định hướng chính sách, chuẩn bị phương án chuyển đổi kèm theo các giải pháp, nhiệm vụ, hoạt động phù hợp:

Thứ nhất, công nghệ cho giảm và tái chế các-bon đã có, song công nghệ cho tái sử dụng và loại bỏ các-bon còn thiếu. Các công nghệ thu và giữ các-bon hiện nay tiêu tốn nhiều năng lượng (gây phát thải các-bon vào không khí), tiêu tốn nước. Việc nghiên cứu và thương mại hóa các công nghệ này đòi hỏi phải có các quỹ cho nghiên cứu và phát triển, trợ cấp tài chính để bù đắp cho rủi ro của những công nghệ chưa chứng minh, các ưu đãi bằng thuế, trợ cấp đầu tư bằng vốn trực tiếp, các hỗ trợ tài chính căn cứ vào kết quả.

Thứ hai, những vị trí địa lý phù hợp cho các dự án năng lượng sạch có thể thiếu hạ tầng lưới điện hoặc xung đột với các nhu cầu phát triển khác như nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ rừng, GTVT.

Thứ ba, việc chuyển đổi xanh và phát triển các năng lượng sạch đòi hỏi phải được tiến hành không chỉ ở một doanh nghiệp hay một khâu sản xuất, mà trong toàn chuỗi cung ứng. Điều này đặc biệt rõ ở một số ngành chế biến chế tạo như sản xuất thép và xi-măng, công nghiệp thông tin và truyền thông. Trong ngành xây dựng cũng thấy rõ thách thức này.

Thứ tư, hành vi sản xuất xanh, tiêu dùng xanh đòi hỏi phải có sự thay đổi hành vi cá nhân như thay đổi cách thức vận chuyển và tiêu dùng năng lượng. Điều này đặc biệt đúng trong các ngành NN&PTNT, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải, bán buôn và bán lẻ... Đối với ngành GTVT, các biện pháp thay đổi hành vi của người tham gia giao thông phải không gây thua thiệt cho những người yếu thế về thu nhập do phải chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân.

Thứ năm, có những thách thức mang tính đặc thù theo ngành. Với ngành khai thác khoáng sản: phải đầu tư lớn cho chuyển đổi sang dạng năng lượng xanh hơn trong ngành khai thác khoáng sản và thiết kế, tổ chức lại quy trình khai thác, vận chuyển. Với ngành sản xuất điện và khí đốt: rủi ro tài chính cho cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng. Với ngành bán buôn và bán lẻ: phải tính toán được lượng các-bon nhúng vào hàng hóa và đàm phán với nhà sản xuất để giảm lượng các-bon tương ứng. Với ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng như các hoạt động nghệ thuật, giải trí: phải giảm được tiêu dùng năng lượng và nước sạch tại chỗ. Đối với ngành tài chính: phải định hướng lại nguồn đầu tư sang các dự án phát thải các-bon thấp và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội có thể xảy ra đối với người dân trong quá trình chuyển sang nền kinh tế PTR0. Với ngành xây dựng và bất động sản: phải xây dựng được các công trình có hiệu quả năng lượng cao, thông minh, PTR0. Với ngành lao động - thương binh và xã hội: phải đảm bảo người dân chuyển đổi được từ các nghề phát thải nhiều sang các nghề phát thải ít các-bon. Với lĩnh vực hành chính công và quốc phòng - an ninh: phải tăng tốc và giám sát được các hoạt động mua sắm công xanh. Với ngành giáo dục - đào tạo, y tế: phải tăng được hiệu quả sử dụng năng lượng ở các giảng đường, bệnh viện và trong hoạt động đi lại của giảng viên, học sinh, phụ huynh học sinh, nhân viên y tế và người bệnh...

Tuy có nhiều khó khăn, thách thức, song việc theo đuổi mục tiêu PTR0 sẽ tạo áp lực phải (i) chuyển đổi (chuyển đổi xanh) cho các ngành, các doanh nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ mới và sạch; (ii) đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức - mô hình quản lý, sản xuất (bao gồm chuyển đổi số); (iii) mở ra thị trường mới, cấu trúc lại thị trường trong một ngành, triển khai các hoạt động marketing mới. Theo đó, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần cơ cấu lại kinh tế - đây là hướng phát triển phù hợp với Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.[35]

4.3. Các điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng “0”

Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế PTR0 đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách, công nghệ và hành vi.

Hai là, phải có những nỗ lực to lớn để tăng tốc cơ cấu lại kinh tế trong lĩnh vực năng lượng và trong khu vực doanh nghiệp và phải đầu tư xứng đáng cho đổi mới sáng tạo. Phải xác định rõ những ngành, khu vực kinh tế nào có cơ hội phát triển khi theo đuổi mục tiêu PTR0 để có chính sách nuôi dưỡng và thúc đẩy phát triển.

Ba là, mục tiêu PTR0 đòi hỏi đầu tư quy mô lớn cả ở khu vực công lẫn khu vực tư (doanh nghiệp) cho công nghệ. Trong quá trình chuyển đổi, có thể dẫn tới hàng loạt thất bại thị trường (như e ngại đầu tư cho R&D, chuyển hướng nghiên cứu khoa học), do đó cần có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp. Cơ chế đó phải bao gồm những chính sách công hợp lý, ổn định và đáng tin cậy, bao gồm các đầu tư công bền vững và dài hạn, bao gồm cả cam kết của Nhà nước đối với tăng trưởng xanh (theo nghiên cứu của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân đôn và Viện Nghiên cứu Grantham).

Bốn là, phải có những hoạt động truyền thông, các công cụ tài chính và quy định, tiêu chuẩn để điều chỉnh hành vi của cá nhân và tổ chức trong các hoạt động kinh tế và xã hội liên quan đến phát thải các-bon.

Năm là, phải có hợp tác quốc tế để thu hút vốn xanh, công nghệ xanh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm xanh.

4.4. Nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam

Nhằm giảm thiểu những tác động của BĐKH và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ khu vực Nhà nước và tư nhân. Rất khó định lượng các khoản đầu tư cần thiết vì việc này đòi hỏi phải xác định và tính toán được chi phí của các biện pháp thích ứng không chỉ ở các ngành kinh tế khác nhau mà còn ở các khu vực địa lý cụ thể. Với tổng giá trị tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với rủi    ro biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính khoảng 300 tỷ USD, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản này với biến đổi khí hậu giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD trong cả giai đoạn 2022–2050. Chi phí có thể phát sinh thêm từ nhu cầu nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như        từ các khoản đầu tư mới cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu. Quỹ Tiền tệ Quốc  tế (IMF) đã ước tính các chi phí đó hàng năm vào khoản 3–4% GDP trong giai đoạn 2021–2025. Có thể suy ra tổng chi phí là khoảng 228–266 tỷ USD tính đến năm 2050. Tổng chi phí ước tính có khả năng cao hay thấp hơn thực tế do có thể không phản ánh chi phí thích ứng phát sinh thêm trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến nhiễm mặn và hạn hán gia tăng.[36]Chi phí giảm thiểu tính dễ bị tổn thương thông qua các hệ thống cảnh báo sớm và các chương trình khắc phục thiên tai ước tính vào khoảng 0,3–0,7% GDP mỗi năm, dựa trên đánh giá gần đây của Ngân hàng Thế giới, tương đương khoảng 22–53 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2050.[37]Nhìn chung tổng nhu cầu tài chính bổ sung của Việt Nam để nân cấp tài sản quốc gia, trang bị thêm và nâng cấp hạ tầng hiện có và hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp xã hội khi thực hiện cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng “0” có thể lên đến 342–411 tỷ USD trong giai đoạn 2022–2050 theo giá trị hiện tại ròng (NPV), tức khoảng 4,5–5,4% GDP mỗi năm. Ước tính này dựa trên sự chênh lệch giữa nhu cầu tài chính đã nêu ở trên và các khoản chi hiện có  liên quan đến khả năng thích ứng. Giá trị hiện tại ròng nêu trên được tính toán trên cơ sở mức tỷ lệ chiết  khấu 6% theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới áp dụng cho các phân tích kinh tế. Tỷ lệ chiết khấu xã hội (SDR) thông thường được sử dụng để tính toán giá trị hiện tại của các khoản chi phí và lợi ích xảy ra trong tương lai. Trong bối cảnh hoạch định chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, các tỷ lệ chiết khấu    này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tính toán giá trị các khoản đầu tư mà xã hội phải thực hiện ở thời điểm hiện tại nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Mặc dù không có con số ước lượng mức chi hiện nay từ  khu vực tư nhân, nhưng Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi khí hậu ước tính mức chi      đầu tư liên quan đến khí hậu để xây dựng khả năng chống chịu vào khoảng 25% ngân sách đầu tư của       Chính phủ, tức 1,5% GDP. Mức tài trợ từ nguồn tài chính công hiện nay cho các chương trình ứng phó thiên tai, BĐKH là khoảng 0,3% GDP.[38]

Bảng 2. Ước tính nhu cầu tài chính tăng thêm cho các biện pháp thích ứng, 2022–2050

 

Trung bình mỗi năm (% GDP)

Giá trị tích lũy (tỷ USD                     tính theo NPV)

Nhu cầu tài chính tăng thêm

4,5-5,4

342,3-410,7

Tổng nhu cầu tài chính

6,3-7,2

479,2-547,6

Nhu cầu đầu tư cho các tài sản tư nhân có khả năng phục hồi

3,0

228,2

Đầu tư mới và bổ sung thêm cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi

3,0-3,5

228,2-266,2

Hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng

0,3-0,7

22,8-53,2

Nguồn tài chính hiện có

1,8

136,9

Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2022

Ghi chú: NPV là giá trị hiện tại thuần; tất cả những số liệu trên phản ánh tỷ lệ chiết khấu 6%.

Để đầu tư thêm khoảng hơn 410 tỷ USD theo giá quy đổi về năm 2020 (mỗi năm cần khoảng 12-15 tỷ USD đầu tư thêm).[39]Đây là nguồn lực rất lớn đối với Việt Nam khi thu nhập vẫn ở mức trung bình thấp, thường xuyên chịu thiên tai do BĐKH, kinh tế vừa bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Nếu nguồn lực tài chính có sẵn, việc chi cho ứng phó với BĐKH không ảnh hưởng đến việc chi cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác của đất nước thì thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK và các nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, BVMT, PTBV sẽ mang lại những tác động tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh và bền vững. Việt Nam cần phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế để gia tăng thu nhập bình quân đầu người và thu hẹp khoảng cách về thu nhập với các quốc gia trên thế giới; cần ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số và xã hội số cũng sẽ là trọng tâm trong các hoạt động phát triển kinh tế trong giai đoạn tới; cần hạn chế sản lượng sắt, thép, xi măng, lúa gạo và thịt ở mức đủ dùng trong nước mà không xuất khẩu do đây là những ngành nghề tiêu hao nhiều năng lượng hoặc phát thải nhiều khí nhà kính; cần duy trì tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao năng suất và trữ lượng các bon của rừng trồng thông qua chuyển đổi rừng trồng chu kỳ ngắn (5-7 năm) sang rừng trồng chu kỳ dài (10-15 năm), hạn chế xuất khẩu gỗ…[40]

Do đó có ba con đường tiềm năng để đáp ứng các nhu cầu tài chính này: (i) Dồn lực theo đuổi các nỗ lực khuyến khích đầu tư tư nhân, cả vào công nghệ mới và cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu hơn. Vì vậy, cần ưu tiên xanh hóa khu vực tài chính vì nó chỉ tương đương khoảng 0,2% GDP năm 2020. Điều này sẽ có nghĩa là các ngân hàng huy động tín dụng xanh, phát triển các công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro (ví dụ: bảo hiểm) và các cách thức mới để chia sẻ gánh nặng rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư nhân nhằm khuyến khích đầu tư trong bối cảnh tính bất định cao; (ii) Tăng tài trợ từ ngân sách bằng cách nâng cao nguồn thu bổ sung thông qua thuế các bon và/hoặc bằng cách đi vay ở các thị trường trong và ngoài nước, trong giới hạn cần thiết để tránh gánh nặng nợ cho Chính phủ trong tương lai; (iii) Huy động thêm nguồn thu từ các nguồn tài chính quốc tế, bao gồm các tổ chức đầu tư và các nhà tài trợ đa phương và song phương, đồng thời khai thác FDI và kiều hối.[41]

V. Đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19. Đây là cơ hội lớn để các địa phương lựa chọn giữa lộ trình cũ hay lộ trình tăng trưởng xanh để giúp đối mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường. Nếu chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh. Đây là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần. Từ phân tích trên có thể thấy việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến một tương lai nền kinh tế: “Thịnh vượng về kinh tế gắn liền tính bao trùm và tính bền vững về môi trường, chống chịu hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và các cú sốc”, bởi những lý do sau: (i) Tăng trưởng xanh dựa vào nền tảng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do vậy, sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có năng suất và hiệu quả hơn; (ii) Tăng trưởng xanh hướng đến nền kinh tế ít phát thải và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Do đó, sẽ giúp đạt được mục tiêu thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; (iii) Thực hiện tăng trưởng xanh là hướng đến nền kinh tế các bon thấp giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. (iv) Tăng trưởng xanh đồng hướng với phát triển bao trùm tức phát triển nhưng không bỏ lại ai bên lề. Để tạo lập nền tảng tảng cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, Việt Nam bắt buộc phải coi tăng trưởng xanh như con đường tất yếu và trụ cột xuyên suốt trong việc định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển ngắn hạn, trung hạn.[42]

5.1. Xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững

- Phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường tại Việt Nam, gồm việc nghiên cứu và đề xuất các điều kiện và lộ trình phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải tại Việt Nam; xây dựng cơ chế, công cụ và cách thức vận hành thị trường các-bon hướng tới phát triển đồng bộ cơ chế trao đổi quyền phát thải: các hoạt động này phát triển từ yêu cầu của Chiến lược tăng trưởng xanh về việc phát triển thị trường các-bon hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường; đồng thời cũng xuất phát từ thực tế Việt Nam chưa có các quy định, chưa hình thành thị trường, các công cụ trao đổi quyền phát thải.

- Xây dựng và hoàn thiện các công cụ thuế đối với các hoạt động hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững, gồm việc nghiên cứu đề xuất lộ trình, phạm vi áp dụng nguồn thu từ thuế và sửa đổi, bổ sung một số nội dung của thuế bảo vệ môi trường nhằm sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh các hoạt động có phát thải các-bon (tập trung nhiều trong ngành khai khoáng, năng lượng,...): các hoạt động này phát triển từ yêu cầu của Chiến lược tăng trưởng xanh về giảm phát thải KNK, đồng thời cụ thể hóa nhiệm vụ thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng tại Nghị quyết 55- NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

- Xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu; xác định các chương trình, dự án, nhiệm vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp thực hiện mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp thực hiện thông qua các hình thức hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng.

5.2. Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh

- Rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp): hoạt động này được phát triển trên cơ sở Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đã đưa ra khái niệm về trái phiếu doanh nghiệp xanh, nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu xanh, quy định về công bố thông tin trước đợt chào bán và công bố thông tin định kỳ của tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh. Theo đó, đề xuất nhiệm vụ sẽ chi tiết hóa và bổ sung các quy định về phát hành trái phiếu xanh.

- Nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm xanh; xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao: hoạt động này phát triển từ yêu cầu của mục tiêu phát triển nhanh và bền vững về việc phát triển thị trường bảo hiểm xanh.

5.3. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh

- Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020; cũng như quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng: các hoạt động này được phát triển trên cơ sở khoản 1, khoản 4 Điều 149 Luật BVMT 2020 đã đưa ra khái niệm về tín dụng xanh, yêu cầu quản lý rủi ro môi trường. Theo đó, đề xuất các nhiệm vụ sẽ chi tiết hóa các thông tin về cấp tín dụng xanh, thể chế hóa việc quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng tại các văn bản pháp lý chuyên ngành.

5.4. Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh

Các hoạt động chủ yếu gồm: Ban hành cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tín dụng xanh nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh; Rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của nước ngoài; Nâng cấp, thể chế hóa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và yêu cầu Báo cáo bền vững (BCBV) đối với doanh nghiệp ở các địa phương.

 

Kết luận

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tháng 1 năm 2021 đã nhấn mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng đang xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2021-2025. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp, vừa mang lại thời cơ vừa mang lại thách thức cho các nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 tới nay đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế nghiêm trọng và đặt ra yêu cầu phải có các hoạt động phục hồi kinh tế hiệu quả. BĐKH toàn cầu diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự tính, đòi hỏi các quốc gia phải có hành động quyết liệt hơn để hạn chế tốc độ ấm lên toàn cầu bằng cách giảm phát thải nhanh hơn. Hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 26 đã cho thấy quyết tâm của lãnh đạo các nước để đối phó với BĐKH, trong đó Việt Nam cũng đã cam kết đạt PTR0 vào năm 2050. Trong bối cảnh trên, việc đẩy mạnh thực hiện chiến lược TTX quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tiền đề cho Lộ trình PTR0, từ đó góp phần phục hồi kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số. TTX là con đường phát triển phù hợp với Việt Nam, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cam kết đạt PTR0 vào năm 2050, từ đó giúp Việt Nam từng bước đạt được khát vọng là một nước phát triển có mức thu nhập cao, công bằng về xã hội và hài hòa về môi trường.

 

Tài liệu tham khảo                 

  1. Bộ KH&ĐT (2022), Báo cáo xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250.
  2. Bộ TN&MT (2022), Báo cáo thuyết minh kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
  3. Bộ KH&ĐT (2021) Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội của Việt Nam cho giai đoạn 2021- 2030, Tháng 2/2021.
  4. Climate Watch. 2020. “GHG Emissions.” Washington, DC: World Resources Institute. https://www. climatewatchdata.org/ghg-emissions.
  5. Cục BĐKH (2022), Báo cáo đầu vào phục vụ Báo cáo kỹ thuật phục vụ xây dựng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
  6. Cục Biến đổi khí hậu (2022), Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH.
  7. European Commission (2020): EUROPE 2020 A strategy for smart, sustainable and inclusive growth.
  8. Government of Republic of Korea. (2020). National Strategy for a Great Transformation: Korean New Deal. Retrieved from file:///C:/Users/Frederic Hans/ Downloads/Korean New Deal.pdf [accessed on 07 September 2020]
  9. J. Kilpatrick. 2021. “Fiscal Policies to Address Climate Change in Asia and the Pacific.” Departmental Paper No 2021/007. Washington, DC: International Monetary Fund. https://www.imf.org/en/Publications/Departmental-Papers-Policy Papers/Issues/2021/03/24/Fiscal-Policies-to-Address-Climate-Change-in-Asia-and-the-Pacific- Opportunities-and-49896.
  10. MPI & UNDP, 2022, “Climate Public Expenditure and Investment Review of Viet Nam.”
  11. Ngân hàng Nhà nước (2021), Báo cáo thực trạng phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2017-2021
  12. Ngân hàng thế giới (2022), Việt Nam: Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển
  13. Ngân hàng Thế giới (2022), Báo cáo quốc gia: Việt Nam dung hòa phát triển kinh tế với rủi ro khí hậu.
  14. Ngân hàng thế giới (2022), Chính sách tài khoá và Biến đổi khí hậu, tài liệu tổng quan cho CCDR, Tháng 1/2022..
  15. Ngân hàng Thế giới, 2021, Chính sách thuế ở Việt Nam: Các vấn đề và Khuyến nghị Cải cách.
  16. Ray Galvin và Noel Healy, 2020. Energy Research and Social Science. The Green New Deal in the United States: What it is and how to pay for it”. Vol 67 (2020).
  17. Tổng cục Thống kế (2021), Niên giám thống kê năm 2021
  18. Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám thống kê năm 2022
  19. Văn phòng PPP-Bộ KH&ĐT (2022), Báo cáo tình hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam năm 2021.
  20. Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ TN&MT (2022) Tổng hợp hoạt động chi cho BĐKH và TTX trong giai đoạn 2011 – 2021.
  21. Vụ KHGD TN&MT-Bô KH&ĐT, 2022, báo cáo đầu vào phục vụ Báo cáo kỹ thuật phục vụ xây dựng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
  22. Vụ Kinh tế Đối ngoại-Bộ KH&ĐT, 2021, Báo cáo tổng hợp nguồn vốn ODA cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh
  23. World Bank Group. 2020. “Vibrant Vietnam: Forging the Foundation of a High-Income Economy.” Country Economic Memorandum. Hanoi: World Bank. http:// hdl.handle.net/10986/33831.
  24. World Bank Vietnam, 2022, Catastrophe Risk Assessment, Summary Report, 2022.
  25. World Bank, 2021, “Accelerating Clean, Green, and Climate-Resilient Growth.” Vietnam Country Environmental Analysis. Washington, DC: World Bank.

 

 

[1] Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm 2022

[2] World Bank Vietnam (2022), Catastrophe Risk Assessment, Summary Report, 2022.

 

[3] Government of Republic of Korea. (2020). National Strategy for a Great Transformation: Korean New Deal. Retrieved from file:///C:/Users/Frederic Hans/ Downloads/Korean New Deal.pdf [accessed on 07 September 2020]

[4] Fit for 55 là một phần của Thoả thuận xanh châu Âu, đề cập đến mục tiêu của EU là giảm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính ròng vào năm 2030. Gói Fit for 55 bao gồm một loạt các đề xuất nhằm mục đích đưa luật pháp của EU phù hợp với mục tiêu năm 2030

[5] Là một phần của hoạt động ứng phó trên phạm vi rộng, mục đích của Quỹ Phục hồi và Chống chịu là giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19, đồng thời giúp các nền kinh tế và xã hội châu Âu trở nên bền vững hơn, có khả năng chống chịu và chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức và cơ hội của việc chuyển đổi xanh và chuyển đổi số

[6] European Commission (2020): EUROPE 2020 A strategy for smart, sustainable and inclusive growth.

[7] Ray Galvin và Noel Healy, 2020. Energy Research and Social Science. The Green New Deal in the United States: What it is and how to pay for it”. Vol 67 (2020).

[8] Government of Republic of Korea. (2020). National Strategy for a Great Transformation: Korean New Deal. Retrieved from file:///C:/Users/Frederic Hans/ Downloads/Korean New Deal.pdf [accessed on 07 September 2020]

[9] Mỹ (2050), Trung Quốc (2060), Nhật Bản (2050), Anh (2050), Ấn Độ (2070), Pháp (2050), Indonesia (2065), Thái Lan (sớm nhất trong nửa sau của thế kỷ XXI, trong kịch bản tính toán đã có giả định 2070), Nepal (2045), Thụy Sỹ (2050), Guatemala (2030), Hungary (2050), Iceland (2040), Úc (2050), Luxembourg (2050), New Zealand (2050), Bắc Macedonia (2030), Andorra (2050), Tonga (2050), Colombia (2050), Malta (2050), Nigeria (2060), Morocco (2050)

[10] Là hoạt động đầu tư bảo đảm hỗ trợ đồng thời giảm nhẹ và thích ứng, có hiệu quả giữa chi phí và lợi ích trong hầu hết các điều kiện biến đổi khí hậu, ít có khả năng triệt tiêu hoặc cản trở các lựa chọn giải pháp giảm nhẹ khác trong tương lai, ít có khả năng ảnh hưởng đến ngành hay khu vực khác và có thể linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với các diễn biến mới.

[11] Nhật Bản với Chiến lược tăng trưởng xanh, Trung Quốc với kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội lần thứ 14 (2021-2025) định hướng 2035, Indonesia với Kế hoạch phục hồi kinh tế; Chính sách phục hồi xanh của Đức.

[12] Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội của Việt Nam cho giai đoạn 2021- 2030, của Bộ KH&ĐT, Tháng 2/2021. Đồng thời tham khảo thêm World Bank Group. 2020. “Vibrant Vietnam: Forging the Foundation of a High-Income Economy.” Country Economic Memorandum. Hanoi: World Bank. http:// hdl.handle.net/10986/33831.

[13] Ngân hàng thế giới (2022), Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển

[14] Climate Watch. 2020. “GHG Emissions.” Washington, DC: World Resources Institute. https://www. climatewatchdata.org/ghg-emissions.

 

[15] World Bank, 2021 (unpublished). “Accelerating Clean, Green, and Climate-Resilient Growth.” Vietnam Country Environmental Analysis. Washington, DC: World Bank

[16] Ngân hàng thế giới (2022), Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển

[17] World Bank. 2021. “Accelerating Clean, Green, and Climate-Resilient Growth.” Vietnam Country Environmental Analysis

[18] World Bank, 2021, “Accelerating Clean, Green, and Climate-Resilient Growth.”

[19] Tính toán của nhóm tác giả trên cơ sở số liệu của Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai từ giai đoạn 2010-2022.

[20] Cục Biến đổi khí hậu (2022), Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH.

[21] Bộ KH&ĐT (2022), Báo cáo xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250.

[22] Vụ KHGD TN&MT-Bô KH&ĐT (2022), báo cáo đầu vào phục vụ Báo cáo kỹ thuật phục vụ xây dựng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

[23] Vụ Kế hoạch-Tài chính- Bộ TN&MT (2022) Tổng hợp hoạt động chi cho BĐKH và TTX trong giai đoạn 2011 – 2021.

[24] Bộ TN&MT (2022), Báo cáo thuyết minh kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

[25] Cục BĐKH (2022), Báo cáo đầu vào phục vụ Báo cáo kỹ thuật phục vụ xây dựng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

 

[26] Vụ Kinh tế Đối ngoại-Bộ KH&ĐT (2021), Báo cáo tổng hợp nguồn vốn ODA cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

[27] Ngân hàng Nhà nước (2021), Báo cáo thực trạng phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2017-2021

[28] Theo CV số 5122/BTC-TCNH về việc cung cấp thông tin, số liệu về trái phiếu xanh của Bộ Tài chính

[30] Tham luận của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam tại Hội thảo Hồ Chí Minh 29/7/2022.

[31] Ngân hàng Thế giới, 2021, Chính sách thuế ở Việt Nam: Các vấn đề và Khuyến nghị Cải cách.

[32] Tổng cục Thống kế (2021), Niên giám thống kê năm 2021

[33] Văn phòng PPP-Bộ KH&ĐT (2022), Báo cáo tình hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam năm 2021.

[34] Hội nghị diễn ra từ ngày 30/10 đến ngày 13/11/2021 tại Vương quốc Anh, gồm Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Hội nghị lần thứ 3 các Bên tham gia Thỏa thuận Paris và các sự kiện có liên quan.

[35] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo thuyết minh Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Hà Nội.

[36] Dabla-Norris, E., J. Daniel, M. Nozaki, C. Alonso, V. Balasundharam, M. Bellon, C. Chen, D. Corvino, and J. Kilpatrick. 2021. “Fiscal Policies to Address Climate Change in Asia and the Pacific.” Departmental Paper No 2021/007. Washington, DC: International Monetary Fund. https://www.imf.org/en/Publications/Departmental-Papers-Policy Papers/Issues/2021/03/24/Fiscal-Policies-to-Address-Climate-Change-in-Asia-and-the-Pacific- Opportunities-and-49896.

[37] Ngân hàng thế giới (2022), Chính sách tài khoá và Biến đổi khí hậu, tài liệu tổng quan cho CCDR, Tháng 1/2022..

[38] MPI & UNDP, 2022, “Climate Public Expenditure and Investment Review of Viet Nam.”

 

[39] Ngân hàng Thế giới (2022), Báo cáo quốc gia: Việt Nam dung hòa phát triển kinh tế với rủi ro khí hậu.

 

[40] Ngân hàng Thế giới (2022), Việt Nam: Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển, Hà Nội

[41] Ngân hàng Thế giới (2022), Báo cáo quốc gia: Việt Nam dung hòa phát triển kinh tế với rủi ro khí hậu.

[42]Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo thuyết minh Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Hà Nội.