A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam – Thực trạng và giải pháp

Trên cơ sở hệ thống hoá một số vấn đề lý luận và quan điểm của Đảng về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp đồng thời phân tích thực trạng thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, bài viết chỉ ra một số bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

 

TS. Nguyễn Thị Thùy Dung & ThS. Hoàng Khánh Lam

Học viện Chính trị khu vực I

Tóm tắt: Hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam là một nội dung cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển về chất của khu vực doanh nghiệp nước ta, qua đó tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở hệ thống hoá một số vấn đề lý luận và quan điểm của Đảng về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp đồng thời phân tích thực trạng thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, bài viết chỉ ra một số bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: thể chế; đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp Việt Nam.

Đặt vấn đề

Các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của quốc gia và doanh nghiệp. Ở Việt Nam, trong Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đổi mới sáng tạo được xác định là một nội dung của đột phá chiến lược thứ nhất trong ba đột phá chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời nội hàm của đổi mới sáng tạo cũng phần nào được làm rõ qua các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Đổi mới sáng tạo được coi như một động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng thì rõ ràng thể chế cần phải đi trước một bước. Tuy nhiên, việc thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo vẫn chưa được hình thành đồng bộ, chậm được hoàn thiện… đang là rào cản trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận và quan điểm của Đảng về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp, đồng thời phân tích, đánh giá thực trạng thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

I. Một số vấn đề lý luận và quan điểm của Đảng về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp

1. Một số vấn đề lý luận về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp

Thể chế là những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh các hoạt động của con người trong một chế độ xã hội.

Theo Khoản 16, Điều 3, Luật Khoa học và Công nghệ 2022: “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Từ đó, có thể hiểu thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp là những quy tắc, luật pháp, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp.

Về cấu trúc, có thể hình dung, thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp bao gồm các khía cạnh sau:

(i) Các bộ quy tắc, luật pháp (luật chơi) tạo ra hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội và nguồn lực trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo. Các nguồn lực quan trọng có thể kể đến là vốn, nhân lực, thông tin, dữ liệu lớn, mặt bằng, nền tảng số...

(ii) Bộ máy quản lý và cơ chế vận hành (cách chơi) nhằm đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp và giải quyết những tranh chấp về lợi ích phát sinh trong quá trình đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp. Chất lượng bộ máy quản lý càng cao cùng với cơ chế vận hành thông suốt thì càng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ngược lại, bộ máy quản lý trì trệ, chậm đổi mới và cơ chế vận hành kém thông suốt sẽ làm cản trở xu hướng dòng chảy của đổi mới sáng tạo.

(iii) Vị trí, vai trò của doanh nghiệp (người chơi) và liên kết với các chủ thể khác trong quá trình đổi mới sáng tạo.

 

2. Quan điểm của Đảng về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp

Khái niệm “đổi mới sáng tạo” với nội hàm là việc phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội đã luôn được Đảng và Nhà nước đặt ra trong nhiều chủ trương, đường lối, chính sách kể từ năm 1986. Trải qua các kỳ đại hội, quan điểm này ngày càng được nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên cụm từ “đổi mới sáng tạo” với tư cách là thuật ngữ riêng đã được đưa vào Văn kiện của Đảng.

Đại hội XIII đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc…; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”[2].

Đại hội XIII đã nhấn mạnh trọng tâm của hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đưa nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới, trong đó nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao”[3]; “Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại”[4]; “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế[5].

Đại hội XIII khẳng định và củng cố vai trò của đổi mới sáng tạo thông qua 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: (1) “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy đổi mới sáng tạo; (2) “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội[6]. Cả 3 đột phá chiến lược vừa nêu đều tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cũng như coi đổi mới sáng tạo vừa là cơ sở, vừa là động lực của sự phát triển. 

Đại hội XIII của Đảng còn đề cập đến một số nội dung cụ thể của đổi mới sáng tạo trên từng lĩnh vực trong giai đoạn 2021 – 2030. Đối với lĩnh vực kinh tế, đổi mới sáng tạo được thực hiện song song với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung vào “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo”; “tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh”[7].

Những chủ trương, đường lối của Đảng tại Đại hội XIII nói trên thể hiện quyết tâm cao trong hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp nhằm tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống pháp luật nước ta là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận và đặc biệt là có tính “mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững”. 

Trên đây là những căn cứ khoa học để Nhà nước ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý, vận hành thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp.

II. Thực trạng thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam và một số bất cập, hạn chế

1. Thực trạng thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam

1.1. Về hệ thống quy tắc, luật pháp

Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, trong những năm gần đây Nhà nước Việt Nam đã thường xuyên ban hành các chiến lược, chương trình và kế hoạch tổng thể liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST). Nhà nước cũng liên tục cập nhật về các văn bản pháp lý liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc tạo ra một hệ thống pháp lý rõ ràng về đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, thực hiện đổi mới sáng tạo (Xem thêm bảng 1).

Bảng 1:  Các văn bản pháp luật liên quan đến đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam

Thời gian

Văn bản pháp luật

2016

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”.

2017

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2018

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

2020

Luật Đầu tư.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Nghị định số 94/2020/ NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Quyết định số 2889/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2021

Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2022

Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

Nghị quyết 02/2022/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Nghị quyết xác định 10 nguyên tắc chủ đạo, trong đó có 5 nguyên tắc liên quan đến đổi mới sáng tạo: 1- Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân; 2- Thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; 3- Ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm sự nhất quán dễ dự báo của chính sách; 4- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; 5- Có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18-5-2016, về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, với mục tiêu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xác định những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: Xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các ngành, địa phương, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước về khoa học - công nghệ hằng năm để tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia, triển khai thực hiện đề án thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh phí để kết nối mạng lưới khởi nghiệp của Việt Nam với thế giới…

Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư:

- Điều 15, Luật Đầu tư quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư: Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

- Điều 20, Luật Đầu tư quy định đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt: Dự án đầu tư thành lập mới các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên

- Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã làm rõ, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các trung tâm đổi mới sáng tạo khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm; các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo…

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo:

- Nghị định 38 đã cụ thể hóa các quy định về đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo bằng nguồn vốn góp tư nhân thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

- Nghị định 38 quy định nguyên tắc chung trong hoạt động đầu tư giữa nhà đầu tư với các công ty khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

- Các hình thức đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo:

+ Hình thức 1: Đầu tư bằng vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại khoản 2 điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định số 38/2018/NĐ-CP).

+ Hình thức 2: Đầu tư bằng ngân sách nhà nước thông qua ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 4 điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:

- Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã được cụ thể hóa và tập trung, tăng cường theo quy định tại Nghị định 80.

- Nghị định 80 bao gồm 6 vấn đề với 05 nhóm hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị); quản lý thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, đặt ra một số mục tiêu:

- Đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,2% - 1,5% GDP;

- Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng đươc cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới;

- Nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người trên 10,000 dân;

- Có 25 – 30 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, đến năm 2025;

- Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hai lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp.

1.2. Về bộ máy quản lý và cơ chế vận hành

Bên cạnh những chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bộ máy quản lý và cơ chế vận hành cũng đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là: (i) Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng; (ii) Hỗ trợ, kết nối và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam; (iii) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (iv) Vận hành, phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Hiện nay, số lượng tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo phân theo cấp quản lý ở nước ta như sau: Bộ ngành (29); Tỉnh, địa phương (69); Doanh nghiệp (73); Liên Hiệp hội (27)[8].

Các tổ chức hỗ trợ ĐMST tại các tỉnh, địa phương cũng đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển ĐMST tại chính địa bàn mình, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh tỉnh/ địa phương điển hình, nổi bật về đổi mới sáng tạo. Hiện các Tổ chức hỗ trợ ĐMST tỉnh, địa phương chiếm 35% tổng số 197 tổ chức Hỗ trợ ĐMST đang hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức này có những hoạt động, chương trình thiết thực tạo nền tảng cơ bản và đồng hành cùng doanh nghiệp địa phương đối mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp, được đúc kết thành 8 lõi giá trị dưới đây[9]:

- Đầu mối liên kết các hoạt động ở quy mô vùng, quốc gia, kết nối quốc tế;

- Đầu mối triển khai các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, dịch vụ kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu;

- Quản lý dữ liệu và năng lực đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương, liên kết với hệ thống dữ liệu quốc gia v đổi mới sáng tạo;

- Đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, hỗ trợ các hoat động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các thành phần trong hệ sinh thái;

- Tổ chức các chương trình ươm tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, các sáng kiến kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, vùng và cả nước;

- Tổ chức hoạt động tư vấn viên, các sự kiện truyền thông về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tnh, liên kết với Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia;

- Hỗ trợ hạ tầng và cơ sở vật chất dùng chung phục vụ hoạt động phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn;

- Hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

- Cung cấp gói tư vấn, thông tin v trang thiết bị nghiên cứu, kiểm chuẩn trong toàn bộ hệ thống các phòng thí nghiệm công và tư, sử dụng hiệu quả các thiết bị phòng thí nghiêm hiện có thông qua mô hình kết nối chia sẻ thông tin dùng chung, kết hợp giữa khối tư nhân và khối công lập;

- Phát triển và thiết lập các dịch vụ nền cần thiết để h trcác tổ chức, cá nhân tại địa phương xây dng, đ xuất được các giải pháp đổi mới sáng tạo hiệu quả các dự án khởi nghiệp có tiềm năng, phát triển các sản phẩm công nghệ đủ sức gia nhập vào thị trường thương mại.

Để có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp một cách bền vững và minh bạch, công bằng, khách quan thì Chính phủ cũng đã luôn chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, về phía địa phương, HĐND, UBND tỉnh đã phối hợp cùng với các Sở, ban ngành, các cơ quan có liên quan thực hiện chỉ đạo, rà soát, đôn đốc và thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Một số văn bản luật có giá trị pháp lý cao trong lĩnh vực này đã lần lượt được ban hành, từ Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, Nghị định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đến Luật Thanh tra năm 2004 và mới đây nhất là Luật Thanh tra năm 2010 cùng hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật. Các văn bản pháp luật nói trên đã tạo hành lang pháp lý quan trọng đối với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với các doanh nghiệp.

Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Bên cạnh những nội dung chỉ đạo trực tiếp khác, chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh đến việc không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 01 lần/năm, nhằm mục đích không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Một số địa phương đã thực hiện tốt tinh thần của Chỉ thị số 20, có sự phân công nhiệm vụ đối với từng sở, ban, ngành qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể:

Sở Nội vụ: Triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 ở các sở, ngành, địa phương.

Sở Công thương: Tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.

Thanh tra tỉnh: Thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đối với Thanh tra các huyện, thành phố, Thanh tra các sở, ngành thuộc tỉnh; Ký kết quy chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các cơ quan: Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước; giữa Thanh tra tỉnh với Bảo hiểm Xã hội tỉnh; vì vậy hạn chế, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đảm bảo nguyên tắc không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/doanh nghiệp/năm; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Cục Thuế tỉnh: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế của người nộp thuế. Tập trung kiểm soát các thủ tục hành chính thuế có liên quan đến lĩnh vực mà người nộp thuế đang thực hiện nhằm phát hiện những thủ tục trùng lắp, không cần thiết gây lãng phí, phiền hà cho người nộp thuế để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì việc thực hiện kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo; định kỳ hàng quý và cả năm tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện, trình UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ theo quy định.

1.3. Về vị trí, vai trò của doanh nghiệp trên thị trường

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2022, hiện Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu doanh nghiệp (DN) đang hoạt động; khoảng gần 8 triệu hộ kinh doanh. Trong cộng đồng DN Việt Nam, DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 97%. Đây là kết quả của việc môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục được cải thiện, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với hàng triệu hộ kinh doanh có đủ điều kiện nâng lên thành DN...

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2021 của WIPO, Việt Nam xếp thứ hạng 44/132 nền kinh tế và đứng thứ 4 trong khối các nước ASEAN. Với những nỗ lực nhằm cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST), có thể thấy thứ hạng của Việt Nam hiện nay đã tăng nhiều so với giai đoạn 2014-2016.

 

Hình 1: Xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu của các nước thuộc khối ASEAN giai đoạn 2014 – 2021.

(Nguồn: Global Innovation Index 2014 - 2021)

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đổi mới sáng tạo của nước ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực. Tỉ lệ chi cho khoa học công nghệ bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%), Thái Lan (0,78%)...

Một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho thấy phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc "đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị" hoặc "nâng cấp, chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại" chiếm 39,3% mà ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%)… Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.[10]

Năm 2021 cũng là năm đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề tới nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, khiến khoảng 150.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Có thể thấy các nhóm chỉ số ĐMST đầu vào và đầu ra trong năm 2021 đều sụt giảm hoặc giữ nguyên thứ hạng so với năm 2020, trừ nhóm chỉ số “Trình độ phát triển của thị trường” có sự gia tăng mạnh mẽ, từ thứ hạng 34 (năm 2020) lên vị trí 22 của trụ cột này (Hình 2).

Hình 2: Xếp hạng các nhóm chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2021.

(Nguồn: Global Innovation Index 2016 - 2021)

2. Một số bất cập, hạn chế

Qua việc phân tích thực trạng nói trên có thể thấy hiện nay nước ta đã có khá nhiều cơ chế, chính sách cũng như xây dựng được bộ máy quản lý và cơ chế vận hành thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp nước ta vẫn còn một số bất cập, hạn chế như sau:

Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp còn chưa đồng bộ, chậm được hoàn thiện. Chẳng hạn như các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệpĐối với các nhiệm vụ có hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ… gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu đối với việc mua sắm tài sản vì việc mua sắm liên quan đến công nghệ có sự khác biệt so với việc mua sắm các hàng hóa thông thường khác. mục đích của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thực hiện, do các quy định về tài chính, như Luật Ngân sách Nhà nước có những điều khoản khiến việc vận hành quỹ này gặp một số khó khăn nhất định. Không chỉ quỹ đổi mới công nghệ mà nhiều cơ chế, chính sách khác để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng gặp khó khăn khi thực hiện.

Thêm vào đó, các hướng dẫn và biện pháp tạo động lực để các doanh nghiệp Việt Nam liên kết được với nhau trong tham gia thị trường thường mang tính khuyến nghị chung, ít có biện pháp cụ thể. Tình hình đó cộng với nhiều rào cản vô hình, chi phí ngầm khác khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận nguồn lực mặt bằng, nguồn lực vốn càng làm cho doanh nghiệp khó phát triển, gây tâm lý hoài nghi, nản chí trong kinh doanh, không muốn đầu tư căn cơ, dài hạn, suy giảm động lực đổi mới sáng tạo.[11]

Thứ hai, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành thúc đẩy đổi mới sáng còn phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực. Bộ Khoa học và công nghệ trong rất nhiều trường hợp, không đủ thẩm quyền giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh về đổi mới sáng tạo. Nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Trong khi đó, cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm kiểu "sandbox" chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi.[12]

Thứ ba, việc xây dựng và thực thi chính sách cũng còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân và quy trình phản hồi từ khu vực tư một cách có hệ thống để thiết kế chính sách đổi mới sáng tạo sát thực hơn. Về phía doanh nghiệp còn chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vì thế, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập quỹ cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chưa chủ động, tích cực tham gia mối liên kết viện - trường – doanh nghiệp nhằm thương mại hóa công nghệkhai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ...

III. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới

Một là, tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng thể chế theo hướng tạo môi trường thuận lợi và huy động sự tham gia của toàn xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các chính sách, chương trình, dự án… về đổi mới sáng tạo cần phải phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chính sách giáo dục, đào tạo đại học…

Hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.

Ba là, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước.

Bốn, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo; thực hiện tái cơ cấu các chương trình, dự án, nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN.

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao. Thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết viện - trường – doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nguồn lực để bứt phá nhanh...

Sáu là, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng.

Kết luận

Với việc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam hiện đang đứng trước “cơ hội vàng” để bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để tận dụng được cơ hội này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn thể chế” thúc đẩy đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. BambuUP (2022), Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật.
  3. Hoàng Giang (2023), Bài cuối: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: ‘Nút thắt’ ở cơ chế?, https://baochinhphu.vn/bai-cuoi-thuc-day-doi-moi-sang-tao-nut-that-o-co-che-10222042710504255.htm [Ngày truy cập: 28/8/2023].
  4. Ngô Tuấn Nghĩa (2019), Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/hoan-thien-the-che-thuc-ay-phat-trien-kinh-te-dua-tren-oi-moi-sang-tao-o-viet-nam [Ngày truy cập: 28/8/2023].
  5. Quốc hội (2022), Luật Khoa học và Công nghệ.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”.
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 112.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 34.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 43.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 43-44.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 46.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 53-54.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 223.

[8] BambuUP (2022), Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022, tr. 70.

[9] Sđs, tr. 70.

[10] Hoàng Giang (2023), Bài cuối: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: ‘Nút thắt’ ở cơ chế?, https://baochinhphu.vn/bai-cuoi-thuc-day-doi-moi-sang-tao-nut-that-o-co-che-10222042710504255.htm [Ngày truy cập: 28/8/2023].

 

[11] Ngô Tuấn Nghĩa (2019), Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/hoan-thien-the-che-thuc-ay-phat-trien-kinh-te-dua-tren-oi-moi-sang-tao-o-viet-nam [Ngày truy cập: 28/8/2023].

[12] Hoàng Giang (2023), Bài cuối: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: ‘Nút thắt’ ở cơ chế?, https://baochinhphu.vn/bai-cuoi-thuc-day-doi-moi-sang-tao-nut-that-o-co-che-10222042710504255.htm [Ngày truy cập: 28/8/2023].